Du lịch nội đô 'tỏa sáng' những tháng đầu năm
Trong những tháng đầu năm 2024, du lịch nội đô tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM... đang có nhiều bước chuyển mình, thu hút đông đảo khách tham quan.
Nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc
Ở Việt Nam, các thành phố lớn có lợi thế về văn hóa, lịch sử có nhiều tiềm năng thực hiện mô hình du lịch nội đô để thu hút du khách trong và ngoài nước. Vài năm trở lại đây, Hà Nội, TP HCM và nhiều thành phố khác đang đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác “tour độc, tuyến lạ”, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2024, thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội có sự gia tăng đột biến, nhờ thành phố thực hiện tốt các kế hoạch kích cầu, quảng bá du lịch. Đặc biệt, thời gian qua, du lịch nội đô có nhiều tour đặc sắc, gắn liền các trải nghiệm hiện đại với những nét văn hóa truyền thống. Các tour có những chủ đề hấp dẫn như “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”, “Lửa thanh xuân” của di tích Hỏa Lò, “Tinh hoa đạo học” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhận được sự quan tâm của cả người dân địa phương và du khách nước ngoài ghé thăm. Đa số người đăng ký tour đều có phản hồi rất tốt, lượng vé bán ra liên tục hết hàng.
Gần đây, vào tối ngày 9/3, Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024” và công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân với chủ đề “Get on Hanoi 2024 - Sắc hương Tây Hồ”, màn trình diễn ánh sáng bằng hàng trăm thiết bị bay không người lái (drone) đã “tỏa sáng” trên bầu trời ở hồ Tây. Sự kiện này mở màn cho chuỗi hơn 50 chuỗi các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch 2024 của Hà Nội như: Lễ hội du lịch Hà Nội 2024; Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2024; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội Ẩm thực và du lịch làng nghề; Lễ hội Áo dài Hà Nội 2024... góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ở TP HCM, tour du lịch nội đô được khai thác theo từng quận, huyện, với những nét đặc sắc khác nhau góp phần phát triển du lịch cho thành phố. Ví dụ, tour nội đô xe buýt 2 tầng thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước tham quan bởi tính hấp dẫn và mới lạ. Du khách có thể ngắm nhìn thành phố từ trên cao và đi qua những địa điểm nổi tiếng như: Bưu điện TP, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích Chiến Tranh… Không những khai thác du lịch nội đô theo từng quận huyện, ngành du lịch TP HCM chú trọng việc “đánh thức” tiềm năng di sản văn hóa.
Đầu tháng 3 năm nay, thành phố đã tổ chức Lễ hội Áo dài lần thứ 10 thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự. TP HCM đã và đang xây dựng, nâng tầm phát triển Lễ hội Áo dài trở thành một sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo thường niên, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bằng những nỗ lực của ngành du lịch TP HCM, vừa qua, thành phố đã được vinh danh là “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á năm 2023” tại giải thưởng Du lịch MICE Thế giới (World MICE Award) được tổ chức tại thành phố Berlin, Đức.
Tăng cường xúc tiến du lịch
Năm 2024 được các chuyên gia dự báo là cơ hội tốt để ngành du lịch hồi phục một cách mạnh mẽ, đây cũng là thời điểm chín muồi để các thành phố “tăng tốc” phát triển du lịch. Đặc biệt, Việt Nam đang nghiên cứu mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam và có lượng du khách đến nước ta lớn như: Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh Châu Âu... Đây được kỳ vọng là một đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển du lịch Việt Nam.
Để tận dụng được những điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch vào năm 2024, nhiều thành phố lớn đã lên kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tới những thị trường trọng điểm, nâng cao chất lượng các sự kiện thường niên trong nước. Cụ thể, năm 2024, du lịch TP HCM sẽ xúc tiến quảng bá ở những thị trường trọng điểm như: Anh, Đức, Mỹ, Singapore, Australia. Nhằm xúc tiến du lịch, TP HCM triển khai chuỗi hoạt động, sự kiện lớn như Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Áo dài TP HCM, Ngày hội Du lịch TP HCM, Lễ hội Sông nước...
Tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chương trình số 03/CTr-UBND về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, chương trình chú trọng đầu tư đẩy mạnh phát triển du lịch bằng cách kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, thành phố cũng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch liên kết với các làng nghề...
Trong chương trình xúc tiến thương mại, phát triển du lịch, các thành phố chú trọng việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm đẩy mạnh sản phẩm, dịch vụ du lịch nội đô. Như năm nay, ngành Du lịch Thủ đô chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên lợi thế có sẵn của từng địa phương. Sắp tới, Hà Nội sẽ khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô để đa dạng sản phẩm du lịch thu hút khách đến Thủ đô.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Thủ đô năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25% so với năm trước.
Tại TP HCM, chỉ trong hai tháng đầu năm 2024 đã đón hơn 903.000 lượt khách quốc tế; doanh thu lưu trú và ăn uống trên địa bàn Thành phố đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023. TP HCM đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để đạt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa trong năm nay.