Du lịch nông nghiệp Đất Sen hồng 'làm mới' mình để giữ chân du khách

Với những nét hấp dẫn riêng, Đồng Tháp đang trở thành điểm đến thú vị được khách du lịch trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Tuy nhiên, để đưa du lịch nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, du lịch nông nghiệp Đất Sen hồng cần tạo “cú hích” mới với các sản phẩm du lịch ấn tượng, chuyên nghiệp...

Khách du lịch thích thú trải nghiệm thu hoạch xoài tại Điểm tham quan The Mango Trail Farmstay (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh)

Khách du lịch thích thú trải nghiệm thu hoạch xoài tại Điểm tham quan The Mango Trail Farmstay (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh)

Năm 2015 được xem là năm bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp khi Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 chính thức được ban hành và đưa vào thực hiện.

Năm 2014, toàn tỉnh chưa có điểm du lịch tư nhân nào thì sau khi Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 triển khai thực hiện, toàn tỉnh phát triển 51 điểm du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch khá hiệu quả. Tính đến cuối tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 72 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đang hoạt động.

Anh Trương Văn Mai - chủ Vườn sinh thái Nam Hương (thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng) tâm sự: “Chủ trương khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh được xem là hướng đi phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay. Phần đông, du khách tìm đến điểm du lịch của tôi với mong muốn được hòa mình với thiên nhiên. Sau thời gian mở cửa đón khách, tôi nhận ra, để “giữ chân” du khách lâu hơn, điểm du lịch cần phải đầu tư thêm một số hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí... Đồng thời duy trì quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường... Bởi đây chính là lý do du khách tìm đến điểm du lịch của mình”.

Thời gian qua, với những sản phẩm du lịch rất đặc trưng như: tham quan Làng hoa Sa Đéc, khám phá vườn quýt hồng ở Lai Vung, trải nghiệm trên cánh đồng sen Tháp Mười, thăm vườn xoài Cao Lãnh tạo được sức hút và ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhiều khách du lịch gần xa. Tuy nhiên, để “giữ chân” du khách ở lại lâu hơn với địa phương, du lịch nông nghiệp của Đồng Tháp vẫn cần nhiều đổi mới.

Chị Hồ Thị Thu Thủy - chủ Điểm tham quan The Mango Trail Farmstay (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh), cho biết: “Nhiều khách du lịch lựa chọn đến The Mango Trail Farmstay để thư giãn, “chữa lành” sau thời gian làm việc mệt mỏi ở các thành phố lớn. Lựa chọn này đang trở thành xu hướng của nhiều du khách và đây là cơ hội cho du lịch nông nghiệp quê hương mình phát triển. Để phục vụ tốt cho phân khúc khách du lịch này, ngoài đảm bảo các dịch vụ ăn, ở, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí cũng cần phát triển các sản phẩm dịch vụ kết nối đa dạng và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có sự kết nối sâu hơn giữa các điểm du lịch, người dân tại các địa phương...”.

Chia sẻ về giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp bền vững tại Đồng Tháp, ông Ngô Quốc Khang - Cố vấn Hiệp hội phát triển nông trại du lịch Đài Loan – Trung Quốc cho rằng, để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững hơn, nông dân cần có sự chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển du lịch nông nghiệp không đơn thuần là bán vé tham quan hay có thêm cơ hội để tiêu thụ trái cây tại vườn mà bà con cần thay đổi góc nhìn từ khách du lịch để hiểu nhu cầu của khách hàng nhằm tối ưu hóa dịch vụ. Bên cạnh đó, việc thường xuyên cập nhật kiến thức mới về lĩnh vực du lịch để nắm bắt được xu thế và điều chỉnh tốt hơn trong làm dịch vụ. Để “giữ chân” du khách, các khu, điểm du lịch cần tăng cường phát triển các sản phẩm dịch vụ mang tính trải nghiệm cao, hướng đến các giải pháp trao giá trị, chia sẻ kinh nghiệm về bí quyết làm nông để tạo được sự thu hút và ấn tượng tốt cho du khách. Đặc biệt dù trong sản xuất nông nghiệp hay phát triển dịch vụ du lịch, việc liên kết luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu...

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/du-lich/du-lich-nong-nghiep-dat-sen-hong-lam-moi-minh-de-giu-chan-du-khach-124345.aspx