Du lịch nông nghiệp: Rất cần chính sách cho các mô hình thí điểm

Du lịch nông nghiệp hiện đang chưa có khung pháp lý rõ ràng khiến việc đầu tư còn nhiều khó khăn, mơ hồ, vì vậy, rất cần chính sách cho các mô hình thí điểm.

Đây là thông tin được các đại biểu đưa ra tại talkshow “Du lịch nông nghiệp - sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế” diễn ra chiều 19/5.Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ hành trình Xuyên Việt Farmstay hướng về Hội nghị "Xúc tiến đầu tư bất động sản: Du lịch nông nghiệp Việt Nam” diễn ra vào ngày 25/5 tới đây.

Các đại biểu tham quan các gian hàng Nông Nghiệp trưng bày trong chương trình

Các đại biểu tham quan các gian hàng Nông Nghiệp trưng bày trong chương trình

Trong thời gian qua, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp” (OCOP), chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm...

Do đó, đã có ý nghĩa lớn trong hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.

Tại Thừa Thiên Huế, có thể kể đến các chương trình kết hợp du lịch cộng đồng được hình thành thu hút đông đảo du khách như: du lịch cộng đồng ở vùng đầm phá Tam Giang tại làng Ngư Mỹ Thạnh; du lịch ở làng Lương Quán - Nguyệt Biều; du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống như làng cổ Phước Tích, làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình.

Ngoài ra, còn có các loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc miền núi, các tour du lịch homestay tại Làng du lịch cộng đồng A Nôr (A Lưới); du lịch cộng đồng thôn Dỗi (Nam Đông); du lịch cộng đồng ở Cầu ngói Thanh Toàn; tour du lịch trải nghiệm vườn thanh trà Thủy Biều; mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới nhà kính hay các vườn hoa hướng dương trong lòng thành phố…

Từ năm 2018 đến nay, Thừa Thiên Huế có 13 địa điểm được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. Trong đó có 10 điểm du lịch sinh thái, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Trung bình hàng năm, địa phương đón khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch cộng đồng ước đạt 100 tỷ đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm gần đây việc định hướng phát triển quốc gia, vùng đất theo hướng bền vững là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, du lịch nông nghiệp là ngành mới, mang tiềm năng lớn, có thể trở thành cú bật thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Chia sẻ về định nghĩa và lưu ý về mô hình du lịch nông nghiệp, ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Du lịch nông nghiệp – cho hay, chúng ta cần xem du lịch nông nghiệp là một ngành được kết hợp bởi 2 lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Nếu chúng ta kết hợp, áp dụng một cách nhuần nhuyễn vào các vùng nông thôn thì giá trị cho những vùng nông thôn sẽ gia tăng.

Thêm vào đó, ông Tùng cũng chỉ ra những giá trị tiềm năng to lớn của Việt Nam về phát triển du lịch nông nghiệp như khí hậu, thổ nhưỡng, sinh vật,... Đây là nội lực mạnh mẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực về du lịch nông nghiệp.

Trong chủ trương phát triển nông thôn mới của Chính phủ, chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển nông thôn mới sâu, bền vững. Chính quyền đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn,... để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, mô hình du lịch nông nghiệp đang chưa có khung pháp lý rõ ràng khiến việc đầu tư còn nhiều khó khăn, mơ hồ. Vì vậy, việc chia sẻ các khó khăn của doanh nghiệp là cách để chính quyền có thể lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ, qua đó phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế,

Ông Trần Đình Tú - Chủ tịch Công ty Làng Sinh Thái Việt Nam cũng đưa ra nhận định, trong quá trình đầu tư, hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có khung pháp lý rõ ràng khiến quá trình đầu tư còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Do đó, cần đưa ra các chính sách cho các mô hình thí điểm, chọn một số mô hình nổi bật, có hiệu quả để hỗ trợ thúc đẩy phát triển.

Trong chương trình, các chủ trang trại và các doanh nghiệp du lịch cộng đồng đã trao đổi về mô hình du lịch nông nghiệp tại địa phương để kết nối với đoàn Xuyên Việt Farmstay.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-lich-nong-nghiep-rat-can-chinh-sach-cho-cac-mo-hinh-thi-diem-254929.html