Du lịch núi Cấm cần những mùa thương nhớ
Có thể thấy rằng, nhiều người ấn tượng với phát biểu của ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: 'Cản trở hoạt động doanh nghiệp là cản trở sự phát triển'.
Như một sự thấu cảm với những khó khăn chồng chất khó khăn “đổ lên đầu” doanh nghiệp qua những năm đại dịch hoành hành, kéo theo nền kinh tế đang tiềm ẩn nguy cơ của khủng hoảng. Và tiêu điểm hiện nay, đó là nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) rất khó khăn, hàng loạt nhân viên kinh doanh phải nghỉ việc, chuyền nghề tìm kiếm kế sinh nhai. Về lĩnh vực xuất khẩu may mặc, da giày đang ách lại hàng loạt đơn hàng khiến hàng chục ngàn công nhân lao đao khốn khổ. Chứng kiến nỗi khó khăn ấy, người lãnh đạo của tỉnh đã phát hẳn một thông điệp mạnh.
Thiên Cấm Sơn cần “kịch bản” mới để phát triển
Nằm trong dãy Thất Sơn kiêu hùng, Thiên Cấm Sơn như một “lối về” trải đầy những hệ sinh thái đa dạng, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng vô cùng độc đáo. Những câu chuyện hết sức ly kỳ về các đạo sĩ lên núi ẩn mình ở thâm sâu cùng cốc tu luyện đắc đạo từ ngàn xưa đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ. Và đây như là bí kíp về sự nhẫn nại, lòng dũng cảm, tâm thiền định của con người. Tập hợp lại tất cả, núi Cấm trở thành biểu tượng, nơi bảo tồn và lưu giữ nhiều sản vật từ bàn tay của tạo hóa nắn nên hình hài.
Thời gian ngắn gần đây, mặc dù đã khởi sắc hơn nhờ sự nỗ lực tái thiết của một nhà đầu tư rất mới tham gia vào vận hành Cáp treo Núi Cấm mang tính chuyên nghiệp, phục vụ tốt hơn cho du khách, tạo sự an tâm cho mọi người. Nhưng núi Cấm cần có một kịch bản mới để phát triển xứng tầm với “tên tuổi” của một địa danh quá đỗi tuyệt vời.
Núi Cấm đã nổi tiếng từ rất lâu bởi lịch sử không gian tâm linh, thắng cảnh tựa chốn tiên đình. Thế nhưng, rất khó thu hút nhà đầu tư bởi cho đến nay, ngành du lịch tỉnh vẫn còn loay hoay chưa có được một qui hoạch tổng thể nhất cho toàn bộ khu du lịch núi Cấm để nâng tầm cao mới. Thiếu tính nhất quán chủ trương từ các cấp, các ngành, hạ tầng giao thông chật chội và xuống cấp so với lượng du khách ngày đổ về càng nhộn nhịp hơn đã là lực cản lớn cho Thiên Cấm Sơn.
Du lịch khắp nơi đang được mùa với nhiều loại hình để hút khách, An Giang cũng là một viên ngọc quý trong ngành du lịch của Việt Nam. Trong đó, Núi Cấm, Thất Sơn đang nắm giữ kho tàng vật thể và phi vật thể vô giá, nhất là khi đã có nhà đầu tư “chịu vào” để góp phần bật tông.
Các truyền tích về Thiên Cấm Sơn là hồn cốt, là văn hóa gắn liền, đi vào đời sống tinh thần của cư dân miền tây. Và xung quanh địa danh này đã phái sinh ra nhiều loại hình du lịch vô cùng hấp dẫn phục vụ và đáp ứng cho xu hướng hoạt động, tương tác giữa mọi người ngày càng gia tăng sau thời gian dài bị “bó gối”.
Sau nhiều biến cố, mới đây đã có doanh nghiệp “chịu” vào để dần vực dậy những tiềm năng vô giá của núi Cấm uy linh. Doanh nghiệp ấy đang mỗi ngày dò bước định hướng sao cho phù hợp với thực tế, thực trạng và tầm nhìn lâu dài để họ tìm giải pháp phục hồi, phát triển các sản phẩm du lịch Bảy Núi trong giai đoạn đổi mới.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là họạt động phải có lợi nhuận. Lợi nhuận. đó chính là cuộc sống của người lao động, là sự đổi thay đời sống của cư dân xung quanh, là sự đóng góp vào mục tiêu phát triển của nền kinh tế địa phương và tái thiết hạ tầng ở nhiều góc độ.
Đã đến lúc du lịch núi Cấm cần những mùa thương nhớ. Trước hết, một sự nhìn nhận mang tính tích cực, đánh giá khách quan đúng đắn về nỗ lực rất lớn, “thiện ý - thiện tâm” của nhà đầu tư sẽ có tác động mạnh mẽ để khuyến khích, động viên doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Chính họ sẽ góp phần quan trọng đưa ngành du lịch An Giang sớm chạm đến mục tiêu đón 8 triệu du khách và thậm chí có thể nhiều hơn thế nữa cho cả năm du lịch đang mở toang cánh cửa.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/du-lich-nui-cam-can-nhung-mua-thuong-nho-i685428/