Du lịch ở miền núi Quảng Nam

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam gồm 9 huyện, có nhiều không gian cộng đồng độc đáo cùng các điểm tham quan hấp dẫn. Các điểm đến này đã hình thành câu lạc bộ trống chiêng của người Cơ Tu, câu lạc bộ đàn tính - hát then của người Tày…

Lễ hội của đồng bào huyện Tây Giang.

Lễ hội của đồng bào huyện Tây Giang.

Các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam chiếm trên 74% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 300 nghìn người, chiếm 20,1% dân số cả tỉnh. Riêng đồng bào các dân tộc thiểu số trên 34.000 hộ, chiếm gần 40% dân số khu vực. Trong đó đồng bào Cơ Tu gần 15.500 hộ, Xơ Đăng hơn 11.500 hộ, Giẻ Triêng hơn 5.900 hộ, Cor hơn 1.650 hộ.

Các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam có nhiều không gian cộng đồng độc đáo mà du khách có thể cùng người dân trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất và thưởng thức các món ẩm thực truyền thống chế biến từ chất liệu mang hương vị núi rừng. Đây là những món ẩm thực mang nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam.

Rừng Pơ mu ở huyện Tây Giang.

Rừng Pơ mu ở huyện Tây Giang.

Tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, ở xã Mà Cooih (huyện Đông Giang), du khách có thể ngắm nhìn những khu rừng già nguyên sinh và trải nghiệm du lịch sinh thái cùng với các hang động và suối thác. Du khách có thể hòa mình vào điệu múa Tung tung Da dá của người Cơ Tu.

Còn tại huyện Tây Giang có hệ sinh thái rừng hoang sơ, quyến rũ như rừng cây pơ mu, đỗ quyên, rừng lim cổ thụ... Trong đó hơn 50ha rừng đỗ quyên được xem là điểm nhấn với lễ hội hoa đỗ quyên định kỳ được tổ chức. Không chỉ có ưu thế về thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, Tây Giang cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa tộc của người Cơ Tu. Địa phương cũng đã ưu tiên đầu tư loại hình du lịch cộng đồng sinh thái phù hợp với đặc thù văn hóa bản làng vùng cao. Có thể kể đến làng văn hóa thôn Pơ Ning, khu dân cư A rớch, xã Lăng, làng du lịch sinh thái Azứt, xã Bha’Lêê…

Còn tại các huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Nam có những giá trị cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng của 4 dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu, gồm Cơ Tu, Cor, Xơ Đăng. Đây cũng là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, đa dạng về hệ thực vật, thảo dược quý như: sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, làng du lịch cộng đồng tại Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng, rừng cây Di sản Pơmu, rừng đỗ Quyên...

Thực hiện dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam”, chính quyền địa phương đã xây dựng điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng, hướng đến giảm nghèo bền vững thông qua tạo việc làm tại chỗ cho người dân trong vùng thực hiện dự án.

Bà Zơ râm Nheng ở xã Tà Lu (huyện Đông Giang) cho biết: “Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền của ngành văn hóa, tôi đã sửa sang nhà cửa để bắt đầu đón khách du lịch thường trú tại gia. Giá lưu trú tại đây chỉ 150.000 đồng và tiền ăn là 200.000 đồng/khách/một ngày, qua đó giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập”.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Để thu hút khách du lịch tới tham quan, UBND huyện liên kết với một số nhà đầu tư quảng bá, khai thác nhằm phát huy các tiềm năng của huyện. Tuy nhiên, theo ông Lượm, thời gian qua số lượng khách du lịch đến với Tây Giang có tăng, song chủ yếu vẫn là tự phát, chưa được quản lý, kết nối, chưa tạo ra nguồn thu mạnh từ du lịch cho địa phương, cho cộng đồng.

Mới đây, UBND huyện Phước Sơn tổ chức lễ hội với chủ đề “Sắc màu văn hóa Bh’noong - điểm hẹn mới”. Lễ hội với nhiều hoạt động như trưng bày hiện vật lịch sử kết hợp sản phẩm đặc trưng của cộng đồng; tái hiện nghệ thuật trình diễn nghề truyền thống; không gian ẩm thực; nghi thức lễ hội cúng thần của đồng bào Bh’noong... với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, cộng đồng địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Kỷ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thanh, truyền hình huyện Phước Sơn cho biết, ngày hội được nâng tầm về quy mô, các nội dung hoạt động, nhằm tạo ra một không gian giao lưu cho các xã trên địa bàn. Đồng thời, quảng bá những nét độc đáo của văn hóa Bh’noong cho người dân lẫn du khách gần xa.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, tỉnh có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, lịch sử để phát triển du lịch. Đặc biệt có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, khu Đền tháp Mỹ Sơn; Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và gần 500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, hàng chục làng nghề truyền thống và lễ hội độc đáo. Thời gian qua, các cấp lãnh đạo tỉnh và 9 huyện miền núi đã quan tâm phát huy tối đa lợi thế của các địa phương để phát triển. Trong đó có Làng du lịch cộng đồng Cao Sơn (huyện Bắc Trà My) đã được cấp vốn hơn 21 tỷ đồng để phát triển du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết các dự án đầu tư vào khu vực miền núi, nhất là đầu tư phát triển về du lịch đều được thẩm định và đánh giá rất kỹ về những tác động đối với môi trường xung quanh, không vì mục tiêu phát triển kinh tế mà tác động xấu đến môi trường rừng. Vừa thu hút các nhà đầu tư lớn có tâm và có tầm, đặc biệt họ cùng chung tư duy về khai thác các giá trị về sinh thái, văn hóa, lịch sử. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, tầm nhìn và sự tâm huyết, trách nhiệm rất lớn.

Tấn Thành-Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich-o-mien-nui-quang-nam-5720323.html