Du lịch phải dẫn đầu quá trình thích ứng và bền vững hơn trong tương lai
Kết thúc hai ngày làm việc (26 và 27/10) tại Barcelona, Tây Ban Nha, Diễn đàn cấp cao về tương lai của du lịch thế giới đã đưa ra 'Lời kêu gọi Hành động Barcelona' nhằm khẳng định vai trò của du lịch xanh, toàn diện và linh hoạt trong sự phục hồi của ngành du lịch. Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn đầu tham dự theo hình thức trực tuyến.
Diễn đàn cấp cao về tương lai của du lịch thế giới do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tổ chức trực tiếp tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha với chủ đề “Tương lai của ngành du lịch cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng”. Đây là sự kiện lớn đầu tiên của ngành Du lịch tập trung vào việc định hướng tương lai cho du lịch toàn cầu được tổ chức kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Sự kiện do UNWTO phối hợp với Phòng Thương mại Tây Ban Nha và Hội đồng thành phố Barcelona tổ chức, có sự tham gia của Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) Juan Carlos Salazar, Bộ trưởng/Trưởng đoàn du lịch của 12 quốc gia, cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp và mạng lưới tri thức toàn cầu.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới Zurab Pololikashvili nói: “Hội nghị cấp cao lần này làm rõ tầm quan trọng của sự hợp tác, cũng như sự vai trò quan trọng của việc hỗ trợ tài chính cho ngành du lịch và khai thác sức mạnh của sáng tạo đổi mới đối với tiến trình xây dựng ngành du lịch bền vững và tự cường hơn’.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Trưởng đoàn du lịch các nước đã đưa ra các ý kiến về tương lai của ngành du lịch bao gồm: “Sustainability - Bền vững”, “Connectivity - Kết nối”, “Opportunity - Cơ hội”, “Innovation - Đổi mới sáng tạo”, “Diversity - Đa dạng”. Trong đó, việc phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, tái khởi động du lịch, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đào tạo nguồn nhân lực, đồng bộ hóa các thủ tục/yêu cầu khi nhập cảnh giữa các quốc gia, chuyển đổi số, phát triển du lịch bền vững trong tương lai… là những vấn đề mà đa phần các quốc gia đều đang quan tâm tìm giải pháp.
Kết thúc hội nghị đã “Lời kêu gọi hành động Barcelona” gồm 10 điểm. Trong đó bao gồm cam kết tích hợp đầy đủ hơn du lịch vào các kế hoạch hành động quốc gia và địa phương, bảo đảm ngành tham gia vào các vấn đề như nhà ở, sử dụng không gian công cộng và sử dụng cơ sở hạ tầng. Nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm sự khởi động lại và tăng trưởng của ngành Du lịch trong tương, lai tuân thủ các nguyên tắc của Bộ Quy tắc Đạo đức Du lịch Toàn cầu của UNWTO và phù hợp với mục tiêu của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Số hóa là xu hướng tương lai của ngành du lịch toàn cầu
Phát biểu tại diễn đàn theo hình thức trực tuyến tại phiên thảo luận ngày 26/10, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) cho biết, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam là một điểm đến mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và du lịch đã phát triển thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế luôn nằm trong top đầu của thế giới, khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng rất ấn tượng. Do đó, nguồn cung về lực lượng lao động du lịch có tay nghề cao bị thiếu hụt, chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng khách du lịch. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc đào tạo nâng cao các kỹ năng mềm về du lịch như tiếng Anh, các ngoại ngữ khác và các kỹ năng giao tiếp và dịch vụ du lịch do năng lực đáp ứng trong các lĩnh vực này còn hạn chế.
Thời gian vừa qua, với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động và phần lớn lao động du lịch bị mất việc làm. Tổng cục trưởng cho rằng, ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi ngành du lịch, nhu cầu về lực lượng lao động du lịch sẽ vượt xa nguồn cung từ thị trường lao động do phần lớn lao động đã rời bỏ ngành này trong 2 năm qua.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về tài chính, tài khóa và gói an sinh xã hội cho lao động du lịch. Đồng thời, hợp tác với các đối tác để thực hiện các chương trình đào tạo, đào tạo lại cho nhân lực du lịch trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng cũng thông báo, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại du lịch quốc tế vào cuối năm 2021. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ quản lý, thúc đẩy để từng bước cân bằng cung cầu của thị trường lao động du lịch, cũng như tiếp tục tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Du lịch Việt Nam hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và hợp tác tích cực từ UNWTO và các đối tác thông qua các hoạt động và dự án trong tương lai.
Trao đổi ngắn gọn trong “một từ” về tương lai của ngành du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng “Digitalisation - số hóa” là một xu hướng tương lai của ngành du lịch. Vì nhu cầu về dịch vụ du lịch kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng nhiều và ông tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai. Bên cạnh đó, dân số thế giới ngày càng gia tăng, khách du lịch sử dụng thiết bị thông minh và hiểu biết về công nghệ ngày càng nhiều do đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, điểm đến du lịch phải tăng cường ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 cho phát triển sản phẩm du lịch số, hạn chế tiếp xúc và đem đến trải nghiệm thú vị và chân thực hơn cho du khách. Đồng thời, số hóa sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch thông minh, kiểm soát an ninh và an toàn cho du khách thông qua các ứng dụng chuyển đổi số.