Du lịch Quảng Ngãi: Phải lòng Gò Cỏ
'Tôi đang ở một nơi rất xa, nơi không có khói bụi thành phố…', xin mượn lời bài hát của ca sĩ Soobin Hoàng Sơn để ghi lại cảm nhận của tôi khi lần đầu đến Gò Cỏ, Quảng Ngãi.
Trong chuyến khảo sát đến Gò Cỏ, TS. Guy Martini, Tổng thư ký mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO khẳng định, ngôi làng là “báu vật” của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.
Hồ hởi làm du lịch
Làng Gò Cỏ cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 70km về phía Nam. Nơi đây có khoảng 80 hộ dân, nằm giữa hai đồi núi cao, cách biệt với cư dân bên ngoài.
Ngôi làng được các chuyên gia trong và ngoài nước phát hiện năm 2017 khi đi khảo sát để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Gò Cỏ từng có lớp cư dân cổ, chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh, niên đại cách đây 2.500-3.000 năm.
Trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Bình, 58 tuổi, thầy giáo đã nghỉ hưu kể rằng, mảnh đất Gò Cỏ chứng kiến bao biến thiên lịch sử, từ cam go của trường kỳ kháng chiến đến sự lãng quên và hồi sinh ngoạn mục. Trước đây, người dân trong làng sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, trồng trọt và cái tên Gò Cỏ nghe xa vời lắm, chẳng mấy ai biết đến.
“Nhưng rồi, tất cả đã vỡ òa khi ngôi làng nhỏ của chúng tôi được phát hiện. Thời điểm đó, người dân trong làng hồ hởi học cách làm du lịch. Bà con tâm niệm, cần tiếp tục giữ vững linh hồn một ngôi làng cổ Champa và khoác lên làng tấm áo mới”, thầy Bình nghẹn ngào nhớ lại.
Năm 2019, Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập. Năm 2020, làng được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến thời điểm hiện tại, trong làng có 34 hộ gia đình làm du lịch, trong đó, 22 hộ tham gia tổ dịch vụ homestay, 15/34 hộ tham gia dịch vụ ăn uống.
Bà Huỳnh Thị Thương, 70 tuổi, một người dân của làng tâm sự, văn hóa làng còn vẹn nguyên. Người dân vẫn đánh bắt cá bằng thuyền nan, vun đất trồng khoai, trồng xương rồng. “Bà con ở đây đón du khách với đủ các loại khoai, củ đặc trưng của miền Trung nắng gió. Du khách cảm thấy gần gũi khi được thưởng thức món ăn đặc trưng mà bình dị do chính người dân trong làng ‘tự cung, tự cấp’. Chúng tôi dẫn du khách tham quan toàn bộ ngôi làng nhỏ, kể chuyện về vùng đất này. Thật sự như một giấc mơ”, bà Thương trải lòng.
Còn bà Bùi Thị Vân, 68 tuổi, thuộc hộ gia đình trực tiếp làm du lịch nói rằng, cả đời bà sống giữa di sản mà chẳng biết. Khi Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được hình thành, dù đã nhiều tuổi, bà vẫn hăng hái “cắp sách đi học làm du lịch”. Ngôi nhà tranh của bà Vân giờ trở thành một homestay xinh xắn.
Bà Vân tự hào: “Từ một ngôi làng không ai thèm đến, chính con cháu trong làng lần lượt rời đi, Gò Cỏ đã ‘thay da đổi thịt’. Du khách đến làng nườm nượp, nhiều đến mức, đôi khi, chúng tôi phải từ chối đón đoàn vì không thể phục vụ kịp”.
Trở thành dân Gò Cỏ
Khi đặt chân đến Gò Cỏ, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự yên bình kỳ lạ với cái “mùi” xưa cũ phảng phất quanh làng. Nơi đây không có tiếng còi xe, ồn ào, bụi bặm, không “check in sống ảo”, mà chỉ có tiếng nói cười, tiếng sóng biển dập dìu và tiếng gió xôn xao. Cảnh quan ở ngôi làng này vô cùng nguyên sơ, mộc mạc và cuộc sống của người dân cũng êm ả, bình dị, chất phác.
Sau vài câu chào hỏi, tôi như trở thành người dân thực thụ của làng. Buổi sáng, tôi đi dạo quanh làng; buổi trưa thưởng thức bữa cơm bình dân với cá kho, canh lưỡi long truyền thống; buổi chiều, ra biển Sa Huỳnh đón hoàng hôn rồi nghe người dân hát bài chòi, hát hố. Nếu tôi muốn đi lên rẫy trồng khoai, ngồi đan lưới, làm bánh ít hay biển đánh cá... người dân đều tận tình hướng dẫn.
Điều khiến tôi “phải lòng” ngôi làng này chính là tính cách thuần hậu, thật thà của người dân.
Bà Bùi Thị Vân vừa đan lưới, vừa chia sẻ rằng, trong hai năm đóng cửa vì Covid-19, cả làng không cần ra ngoài. Người dân đánh cá, nuôi gà, trồng rau, củ, quả để phục vụ cuộc sống. Bà con vẫn canh tác theo cách truyền thống, không gây hại cho môi trường, thiên nhiên. Ngay cả các vật dụng hằng ngày như rổ, thúng chủ yếu đan lát bằng tre hay những chiếc mũ, nón cũng được đan bằng lá dừa… Mọi thứ đều mộc mạc, gần gũi, thân thuộc.
Đến với Gò Cỏ, du khách dễ dàng bắt gặp những đặc trưng tiêu biểu của người Champa đã được cư dân làng chài này đã gìn giữ cả ngàn năm như: đền thờ, miếu mạo từ thời Champa, giếng đá, cầu đá, nhà mái tranh.
Đặc biệt, thay vì những hàng rào cây cỏ hay tường rào bê tông, lưới thép hiện đại như hầu hết các vùng quê khác, nơi đây vẫn còn tồn tại rất nhiều con đường, tường rào được xếp bằng đá tỉ mỉ. Người dân nơi đây bảo rằng, mọi vẻ đẹp, giá trị của làng Gò Cỏ đều phát xuất từ đá.
Ghé quán nhỏ, uống một cốc rong biển đường phèn, hướng tầm nhìn ra biển Sa Huỳnh nổi tiếng, du khách sẽ thấy đá “ngồi” trầm ngâm bên thềm sóng.
Thầy Bình cho hay: “Ở Gò Cỏ, đá là nền móng của làng. Làng nằm cạnh biển, nhưng địa thế là đồi cao, vì vậy, mỗi mùa mưa lũ qua rất dễ sạt lở. Nhưng nhờ đá xếp chồng lên đá, lớp này nằm lên lớp kia nên làng không mất một tấc đất nào. Trong làng, còn giữ nguyên vẹn khoảng 12 giếng đá cổ - những sản phẩm mà người Champa để lại khi cư ngụ tại đây. Hệ thống giếng cổ này đã và đang là mạch sống, nuôi dưỡng nhiều thế hệ người dân trong làng”.
Bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp, sản vật, di tích văn hóa, di sản địa chất, con người và những câu chuyện trường kỳ về ký ức chiến tranh, những làn điệu dân ca bài chòi, hát hố… là điểm nhấn khi đến thăm ngôi làng cổ.
“Các khúc hát bài chòi, hát hố của người dân được duy trì để giao lưu văn nghệ và truyền đạt lại cho thế hệ tương lai. Từ ngày Gò Cỏ trở thành làng du lịch, các câu hát này còn để phục vụ du khách, giúp bà con có thêm thu nhập”, bà Huỳnh Thị Thương cho biết.
“Gò Cỏ là ‘báu vật’ của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh”.
TS. Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Bền bỉ gìn giữ “báu vật”
Để đáp ứng nhu cầu của khách, Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đã hình thành các tổ dịch vụ như: tham quan, trải nghiệm bằng thuyền nan; dịch vụ homestay với tổng sức chứa khoảng 50 khách/đêm; tổ thuyết minh viên về làng Gò Cỏ; tổ nhà hàng cộng đồng; tổ dịch vụ trải nghiệm làm nông dân; tổ dịch vụ trải nghiệm nấu ăn; tổ dịch vụ trải nghiệm trò chơi dân gian và một số dịch vụ trải nghiệm khác.
Dù đã khá nổi tiếng nhưng như thầy Bình nhấn mạnh, người dân vẫn muốn giữ cho Gò Cỏ nét bình yên, hoang sơ vốn có. Các hộ gia đình làm du lịch không chạy theo số lượng, làm công bằng và hỗ trợ nhau. Người dân muốn giới thiệu tới du khách một loại hình du lịch thông minh, tôn trọng tự nhiên.
“Chúng tôi biết rõ, mình muốn gì và không muốn gì. Gò Cỏ thành lập hợp tác xã cũng không phải để ‘kiếm thêm tiền’ mà để con cháu chúng tôi có thể trở về làng và kiếm sống ở chính nơi mình sinh ra. Bởi vậy, bà con đang ngày đêm bền bỉ, gìn giữ và trân trọng những giá trị di sản, tự nhiên của vùng đất được xem là ‘báu vật’ này”, thầy Bình chia sẻ.
Rời Gò Cỏ khi Mặt trời dần tắt, tôi thầm mong rằng, thời gian sẽ “bỏ quên” ngôi làng này, để nơi đây sẽ là cái tên đầu tiên mà du khách nghĩ đến khi muốn tìm về với yên bình.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-lich-quang-ngai-phai-long-go-co-239616.html