Du lịch quy mô nhỏ, bền vững sẽ là xu hướng hậu đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Á
Ngày 27/5, hội thảo quốc tế với chủ đề 'Phục hồi du lịch hậu đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Á' đã diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Đại học Đông Á (TP Đà Nẵng) kết hợp trực tuyến tại các 'điểm cầu' ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đây là hội thảo quốc tế lần thứ 11 thuộc Diễn đàn trao đổi học thuật Đông Á giữa các trường đại học và lần đầu tiên Đại học Đông Á (Đà Nẵng) chủ trì đăng cai tổ chức. Hội thảo quy tụ 11 tham luận chuyên ngành từ 4 trường thành viên Diễn đàn là Đại học Nagasaki (Nhật Bản), Đại học Dong-A (Hàn Quốc), Đại học Huaqiao (Trung Quốc) và Đại học Đông Á (Việt Nam) cùng sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trẻ, sinh viên đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các khoa chuyên ngành về quản trị, du lịch tại Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hậu COVID-19, tại hội thảo đã trình bày nhiều góc nhìn khoa học liên ngành, đa ngành với những phân tích và ứng dụng ở nhiều phương diện khác nhau, tập trung vào các giải pháp công nghệ trong du lịch; giáo dục công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và phát triển du lịch kiểu mới; tái quy hoạch du lịch hậu COVID-19; giá trị của văn hóa, lịch sử, xã hội trong việc phục hồi sau đại dịch…
Đáng chú ý, thông qua dữ liệu từ sách trắng và khảo sát về du lịch, cũng như các bài báo từ các tờ báo trong nước Nhật Bản, đề tài “Những thách thức đối với du lịch bền vững ở Nhật – ví dụ từ Kyushu” của nhóm tác giả Akihiko SUZUKI, Xi JIA (Đại học Nagasaki) nêu ra những thay đổi trong xu hướng du lịch sau đại dịch COVID-19 với sự ra đời của một phong cách du lịch mới: Du lịch quy mô nhỏ, làm việc và kết hợp kỳ nghỉ, du lịch bền vững. Trong đó, du lịch bền vững sẽ là một trong những đòn bẩy cho sự phục hồi của du lịch.
Trong khi đó, qua phân tích dữ liệu văn bản mạng xã hội với đối tượng nghiên cứu được chọn từ 7 quốc gia châu Á, báo cáo “Phân tích nhận thức và hành vi của khách du lịch châu Á sau đại dịch” của tác giả Lisa Zhou (Đại học Huaqiao, Trung Quốc) cho thấy nhu cầu du lịch đã thay đổi rất nhiều. Trong đó, sự phát triển nhanh chóng kinh tế kỹ thuật số và ứng dụng các công nghệ mới đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc thu thập thông tin du lịch, lựa chọn nhà cung cấp, kích thích tiêu dùng, thanh toán thuận tiện và chia sẻ xã hội, trở thành một điểm đột phá để tạo nguồn cung du lịch mới.
Tác giả Lisa Zhou nhấn mạnh, dịch bệnh đã làm thay đổi rất nhiều quan niệm và thói quen tiêu dùng của người dân, trình độ dịch vụ trực tuyến và tư duy trực tuyến cũng dần được cải thiện. Điều này đòi hỏi nguồn cung du lịch phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ theo nhu cầu mới, nâng cao khả năng thích ứng tổng thể và hiện thực hóa du lịch thông minh, tìm các sản phẩm thay thế ở chính doanh nghiệp mình để giảm bớt ảnh hưởng từ các sự kiện bất ngờ đến sự phát triển du lịch.
Theo ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á, hiện các quốc gia khu vực Đông Á đang bắt đầu thực hiện các chính sách mở cửa và tái phục hồi ngành du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch. Hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà nghiên cứu bàn luận cách thức hỗ trợ hoạt động du lịch từ quy mô địa phương đến toàn cầu nhằm góp phần đổi mới, sáng tạo, tăng tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch bền vững.
Trong đó, ông Lương Minh Sâm nhấn mạnh, Đại học Đông Á cùng các trường Đại học thành viên Diễn đàn trao đổi học thuật Đông Á và các cơ sở giáo dục sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới thích ứng nhanh cho các hoạt động phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19. Được biết hội thảo học thuật Đông Á lần thứ 12 sẽ do trường Đại học Nagasaki (Nhật Bản) chủ trì.