Du lịch Tây Đồng bằng sông Cửu Long tín hiệu khởi sắc
Kinhtedothi – Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đón 28 triệu lượt khách nội địa, doanh thu hơn 28 nghìn tỷ đồng. Riêng các tỉnh, thành phía Tây ĐBSCL chiếm hơn 2/3 tổng lượng khách cũng như doanh thu của khu vực.
Điểm sáng về du lịch của ĐBSCL
Cụm phía Tây ĐBSCL gồm 7 tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong những năm qua, các tỉnh, thành này xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về tầm quan trọng, vai trò - vị trí của ngành du lịch.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực này đã đón hơn 20,6 triệu lượt khách, doanh thu gần 22 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khách quốc tế đạt 565.000 lượt người, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2022. An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ, Bạc Liêu là những địa phương có số lượng khách đông cũng như doanh thu lớn của khu vực.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, Phó Cụm Trưởng Cụm phía tây ĐBSCL cho biết: Khu vực này có nhiều tiềm năng lợi thế để thu hút khách du lịch như Phú Quốc (Kiên Giang), Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Cà Mau, Bạc Liêu… là những địa phương luôn dẫn đầu thu hút khách du lịch của vùng.
“Để đạt được những kết quả trên nhờ thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch như: Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành, khu vực ĐBSCL; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến về du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch”, ông Bùi Quốc Thái cho hay.
Cụm phía Tây ĐBSCL có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch như: Phú Quốc, Hà Tiên, Hòn Đất, U Minh Thượng (Kiên Giang). Trong khi đó, An Giang có các lợi thế như: Tín ngưỡng thờ mẫu - Bà Chúa Xứ núi Sam (TP Châu Đốc); nền văn hóa cổ đại Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn); Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP Long Xuyên); Khu di tích lịch sử Tức Dụp, Nhà mồ Ba Chúc (huyện Tri Tôn). TP Cần Thơ, trung tâm giao của khu vực ĐBSCL cũng là một trong những địa phương góp rất lớn tạo nên thương hiệu du lịch của cụm, với nhiều du lịch như: Chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều….
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Thường trục Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: Điểm sáng của khu vực là luôn gắn kết trong các hoạt động để phát triển du lịch, chia sẻ kinh nghiệm và có tiếng nói chung. Qua đó, giúp các doanh nghiệp kết nối, sử dụng sản phẩm của nhau; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phẩm mới, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Tuy nhiên, điều mà các tỉnh, thành trong cụm quan tâm nhất vẫn là kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ các tỉnh, thành chưa được quan tâm đầu tư, nhiều tuyến đường bến cảng chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời gây khó khăn cho việc liên kết phát triển các tour, tuyến du lịch của các địa phương. Các địa phương còn phát triển sản phẩm riêng lẻ, chưa chú trọng xây dựng các chuỗi sản phẩm đặc trưng liên kết của Cụm hợp tác nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Đẩy mạnh liên kết vùng tạo cú hích du lịch
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Khánh Hiệp – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang – Cụm trưởng Cụm phía Tây ĐBSCL cho biết: Thời gian tới Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL, tập trung vào 6 nội dung hợp tác; Phát huy vai trò của Cụm trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh, trọng tâm là tham gia các sự kiện, hoạt động theo thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.
Ngoài ra, Phối hợp tổ chức, tham gia đón các đoàn Famtrip đến khảo sát sản phẩm dịch vụ, điểm đến trong khu vực Cụm hợp tác nhằm liên kết hợp tác, phát triển các tour, tuyến du lịch mới. Tổ chức các Chương trình giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch của Cụm hợp tác tại các thị trưởng trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Miền Trung, Tây Nguyên, TP Hà Nội, Tây Bắc....
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến du lịch: trong hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin đảm bảo nhanh chóng, kịp thời phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang nhấn mạnh: Hoạch định, xây dựng các chính sách, định hướng quy hoạch phát triển ngành du lịch cho các địa phương thuộc Cụm phía Tây ngày càng chuyên nghiệp, đạt chất lượng, cùng nhau phát triển ổn định và tăng cường liên kết với các địa phương khác mang tính liên ngành, liên vùng.
Ngoài ra, đẩy mạnh việc kết nối thị trường nội địa và quốc tế, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch và cơ quan thông tin, truyền thông. Tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL được chọn lọc theo hướng hội nhập, phát triển các "chuỗi giá trị ngành du lịch" và "sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo".
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-lich-tay-dong-bang-song-cuu-long-tin-hieu-khoi-sac.html