Du lịch thiếu nhân lực trầm trọng, sinh viên vẫn lo không có việc làm
Các nhà hàng, khách sạn đều than thiếu nhân lực. Sau mùa Covid-19, thực trạng này càng trở nên trầm trọng. Vậy mà sinh viên ngành du lịch vẫn băn khoăn, không biết ra trường có việc làm hay không.
Sinh viên thường xuyên hỏi tôi: “Thầy ơi, liệu học ngành du lịch, em ra trường sẽ có việc làm hay không? Rõ ràng, sinh viên đang hoang mang, các em không biết sau khi tốt nghiệp, có được làm đúng ngành hay lại làm trái nghề, đi bán hàng online chẳng hạn”.
Tình huống rất mâu thuẫn trên được Thạc sỹ Hồ Trung Chánh, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch, khách sạn (Đại học FPT TP.HCM), nêu tại Tọa đàm “Hướng dẫn viên du lịch - Những điều chưa kể” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức sáng 20/12. Bởi thực tế, các nhà hàng, khách sạn đều than thiếu nhân sự. Sau mùa Covid-19, thực trạng này càng trở nên trầm trọng. Nhiều đơn vị không nuôi nổi nhân lực trong giai đoạn dịch bệnh, đa số nhân viên đã bỏ nghề.
Mặt khác, phía cơ sở đào tạo vẫn đang cung cấp nguồn sinh viên du lịch không nhỏ. Đơn cử, Trường Đại học Văn Hiến năm nay đào tạo hơn 400 nhân sự ngành, Đại học FPT có khoảng 200 sinh viên. Như vậy, chỉ riêng hai trường đã đào tạo 600 nhân lực du lịch. Vậy tại sao doanh nghiệp vẫn “gào thét” thiếu người?
“Ở đây, có sự đứt gãy cung cầu lao động”, Thạc sỹ Chánh nhận định.
Ông Trần Quang Duy, CEO Công ty Chim Cánh Cụt Travel cho hay, nguyên nhân một phần do sự hợp tác thiếu thực chất giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các biên bản ghi nhớ được ký nhiều giữa các bên nhưng rồi để đó, không thành hiện thực, kết nối bị bỏ ngỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần sinh viên phải trải nghiệm thực tế nhiều hơn nữa trước khi chính thức hành nghề.
Ông Trần Ngọc Đông Quân - Trưởng phòng Quản lý Lữ hành (Sở Du lịch TP.HCM) - thông tin, trước dịch Covid-19, thành phố có hơn 160.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. Tổng số hướng dẫn viên là 7.272 người, chiếm 4,5% số lao động trực tiếp của ngành du lịch địa phương. Trong giai đoạn dịch bệnh, gần 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động, số lượng hướng dẫn viên du lịch tại thành phố giảm mạnh.
'Tam giác hợp tác' chưa đều
Để giải quyết mâu thuẫn trên thị trường lao động ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, khẳng định, mối quan hệ Doanh nghiệp - Nhà trường - Sinh viên phải là tam giác đều. Hiện, tam giác này đang không đều. Tại một số trường, thầy cô giảng dạy đang áp đặt kiến thức lên sinh viên, trong khi, chỉ cần khoảng 1 năm họ không làm hướng dẫn viên thì đã lạc hậu. Do đó, trường đào tạo đông nhưng sinh viên đi làm gặp khoảng cách rất lớn với thực tiễn.
Ở chiều ngược lại, ông Mỹ cho rằng, doanh nghiệp không thể ngồi một chỗ mà chê trường đào tạo dở. Doanh nghiệp phải là sân sau của cơ sở đào tạo, nhận sinh viên về thực tập và trả lương, không phải nhận sinh viên về để sai vặt. Từ đây, nhà trường cần cam kết chính sách bảo hành sinh viên như bảo hành sản phẩm, nếu sinh viên không đạt khi đi làm thì trường đào tạo lại.
Cùng với đó, chủ doanh nghiệp phải biết thích nghi nhanh. Dù là sếp công ty nhưng ông Mỹ vẫn xách xe máy ra đường làm shipper trong mùa dịch.
“Tôi muốn nêu gương cho nhân viên. Tại sao khi khó khăn không thể cởi bỏ bộ quần áo văn phòng để ra đường làm việc”, vị sếp doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm.
Chung quan điểm về thị trường lao động, bà Đinh Thị Thanh Mai - Giảng viên Khoa Quản trị Du lịch, khách sạn (Đại học FPT) - cho rằng, một công ty du lịch có thể mua vé máy bay từ đại lý, đặt phòng khách sạn để nghỉ hay nhà hàng để phục vụ bữa ăn cho du khách. Tuy nhiên, điều quan trọng không thể thay thế là chất xám và kỹ năng điều hành tour của hướng dẫn viên. Do vậy, ngành du lịch vẫn rất cần hướng dẫn viên giỏi thực tiễn trong thời gian tới, theo bà Mai.