Du lịch thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển
Ngày 5/7, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ và Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam.
3 giai đoạn phát triển dulịch Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, lịch sử phát triển du lịch Việt Nam được chính thức đánh dấu từ ngày 9/7/1960 với sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương.
Những ngày này, gần 40.000 doanh nghiệp và hàng triệu lao động du lịch cả nước lại sống trong không khí vui mừng chào đón lần thứ 63 ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2023).
Nhìn lại những chặng đường phát triển của ngành du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình điểm lại 3 giai đoạn lớn gắn với những chỉ đạo quan trọng của Đảng và Chính phủ.
Giai đoạn thứ nhất (1960 -1978), với những bước thử nghiệm trong phát triển ngành kinh tế du lịch, từ một ngành chuyên phục vụ các chuyên gia, khách của Nhà nước, du lịch từng bước chuyển dần sang hoạt động kinh tế.
Giai đoạn 2 (1978 – 1992), Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 262 – NQ/QHK6 ngày 27/6/1978 phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Trong giai đoạn này đã hình thành cơ sở vật chất kỹ thuật ngành từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và một số địa phương khác.
Một số doanh nghiệp đã được thành lập, một số di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh được đón khách du lịch. Bắt đầu hình thành một số cơ sở đào tạo nghề du lịch.
Trong giai đoạn này mô hình tổ chức của Tổng cục Du lịch nhiều lần thay đổi. Ngày 31/12/1990 Tổng cục Du lịch nhập vào Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch, ngày 12/8/1991 Tổng cục Du lịch sát nhập vào bộ Thương mại và Du lịch và ngày 26/10/1992 thành lập lại Tổng cục Du lịch trực thuộc Chính phủ.
Giai đoạn 3 từ 1993 đến nay, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ, du lịch Việt Nam từng bước phát triển trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Du lịch Việt Nam đã khởi sắc và đạt được thành tựu lớn lao khi đón 1 triệu khách Quốc tế năm 1994.
Thông báo kết luận 179 – TB/TW ngày 11/11/1998 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trong tình hình mới đã khẳng định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng và vạch ra các giải pháp cụ thể đưa du lịch Việt Nam bứt phá nhanh.
Nghị quyết 08 – NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ chính trị là một dấu ấn quan trọng của ngành du lịch khi khẳng định quyết tâm của Đảng ta đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngay sau đó, Nghị quyết 08/NQ-CP của Chính phủ đã hướng cho ngành du lịch phát triển lên một tầm cao mới, đồng thời xác định vị trí quan trọng của ngành du lịch trong sự nghiệp phát triển đất nước.
“Những thành tích vượt bậc của ngành du lịch trong giai đoạn 2016 – 2019 đã khẳng định tầm nhìn và sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sau 63 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những thăng trầm, đan xen giữa khó khăn và cơ hội. Trong quá trình đó, hệ thống doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã không ngừng phát triển.
Đến năm 2019, Việt Nam có trên 40.000 doanh nghiệp du lịch, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 2,5 triệu lao động gián tiếp. Ngành du lịch đóng góp 9,2% GDP và đóng góp lan tỏa tới 15% GDP cả nước.
Du lịch phát triển đã thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy giao lưu và hội nhập quốc tế; tăng cường mối quan hệ và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Cùng với đó, lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đang tăng nhanh tạo vị thế ngày một cao của Việt Nam ở nước ngoài. Du lịch Việt Nam thực sự đã trở thành một ngành kinh tế rộng lớn trong cả nước, trong đó có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp du lịch.
Thành lập tháng 12/2002, đến nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với 6 hiệp hội chuyên ngành, 2 hiệp hội vùng và 57 hiệp hội du lịch các tỉnh, thành, bao gồm trên 18.000 doanh nghiệp hội viên và trên 20.000 hội viên là cá nhân. Hiệp hội Du lịch Việt Nam là một trong số các tổ chức xã hội nghề nghiệp có mạng lưới lan tỏa cả nước và có nhiều hoạt động nổi bật cả trong nước và quốc tế.
Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
“Năm 1990, chúng ta phục vụ 250.000 lượt du khách quốc tế, năm 2019 con số này là 18 triệu lượt, tăng gấp 72 lần trong 29 năm. Du khách nội địa tăng mạnh từ 1,0 triệu lượt năm 1990 lên 85 triệu lượt năm 2019. Sự tăng trưởng đó đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp trực tiếp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (2015 là 6,3%; 2016 là 6,9%; 2017 là 7,9%; 2018 là 8,3%; 2019 là 9,2%)”, Thứ trưởng thông tin.
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, trở thành đại dịch của thế giới với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Tháng 11/2021, Việt Nam thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, với việc đón tiếp và phục vụ gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 495.000 tỷ đồng trong năm 2022; 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Đồng thời, từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có nhiều đột phá; sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có; các dịch vụ như lưu trú, thương mại vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ...; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp đối với yêu cầu phát triển của ngành; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...
Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo ra đột phá trong việc phát triển du lịch cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023, qua đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Nghị quyết đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, giao cho các bộ, ngành thực hiện. Đây là bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP, tại Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 4/7/2023. Kế hoạch hướng tới mục tiêu ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn gian - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
“Với tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, tôi tin rằng du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, Thứ trưởng tin tưởng.