Du lịch Tiền Giang có sức hút du khách trong và ngoài nước
Tiền Giang là nơi hội tụ của 3 vùng sinh thái: sông nước miệt vườn, rừng ngập mặn và Đồng Tháp Mười. Cùng với bề dày lịch sử-văn hóa, Tiền Giang được xem là cầu nối gắn kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ và trở thành điểm hẹn đầy hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Du khách nước ngoài đến thăm làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Theo Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du Ngoạn Việt Phan Xuân Anh, Tiền Giang là địa phương cuối nguồn sông Mê Công. Do vậy, cư dân cũng như cảnh quan luôn chứa bản sắc riêng và cũng rất đa dạng. Công ty chúng tôi đã phân loại khách ra hai phân khúc rõ rệt.
Phân khúc trung bình trả giá thấp, đi nhanh, không ngủ đêm thì chọn thành phố Mỹ Tho. Bởi, nơi đây, du khách mong muốn được đi trên dòng sông Mê Kông, đi đò bơi trong kênh rạch nhỏ, ăn món địa phương và mua sắm sản phẩm OCOP.
Riêng phân khúc trả giá cao, có lưu trú đêm, công ty đưa đi huyện Cái Bè và Cai Lậy. Đa số khách tham quan này đến từ châu Âu, Mỹ và Australia. Những vị khách này rất quan tâm văn hóa bản địa, từ ẩm thực cho đến lối sống trên và ven sông, cách người địa phương canh tác và nuôi trồng; niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng địa phương.
Thời gian qua, Hiệp hội du lịch tỉnh Tiền Giang luôn hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch cho các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để nâng cao chất lượng phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Tiền Giang Lương Thị Diễm Trang, chúng tôi luôn mong muốn môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện để tăng khả năng kết nối các doanh nghiệp với nhau; nghiên cứu, xây dựng loại hình du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái sông nước, vườn trái cây... nhất là các sản OCOP gắn với phát triển du lịch để góp phần đa dạng sản phẩm phục vụ du khách và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu cho biết, nằm trải dài trên bờ bắc sông Tiền, tỉnh Tiền Giang có các trục giao thông-kinh tế quan trọng đi qua. Cùng với vị trí thuận lợi, tài nguyên du lịch tự nhiên của địa phương cũng rất đa dạng, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân miệt vườn Nam Bộ.
Tỉnh Tiền Giang với 3 vùng du lịch trọng điểm gồm: vùng trung tâm, phía tây và phía đông của tỉnh, khai thác nhiều tour/tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, kết hợp tham quan các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh như: di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Rạch Gầm-Xoài Mút, Lăng Hoàng Gia, khu di tích Lăng, mộ và Đền thờ Trương Định, tham quan cù lao Thới Sơn, cù lao Tân Phong, khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, biển Gò Công, chùa Vĩnh Tràng, thiền viện Trúc Lâm; trải nghiệm các ngôi nhà cổ tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư, mở rộng thêm các dự án du lịch như: khu du lịch-nhà hàng-khách sạn Mekong Paradise, khu du lịch sinh thái Hòa Hưng, khu du lịch sinh thái Cồn Ngang, khu Nghỉ dưỡng-khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn; khu giải trí, dịch vụ Tân Long; khu du lịch sinh thái biển Tân Thành, khu du lịch Long Bình.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu du lịch lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống cho du khách trong và ngoài nước, với 46 khu/điểm du lịch, 68 doanh nghiệp lữ hành, 328 cơ sở lưu trú, gần 4.500 phòng, 560 phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch.
Năm 2023, khách du lịch đến Tiền Giang đạt 1,4 triệu lượt, vượt 12% kế hoạch đề ra, tăng trên 58% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 465.000 lượt, vượt 86% kế hoạch, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ, doanh thu từ khách du lịch đạt 970 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.
Các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch Tiền Giang, khai thác các tour du lịch mới, thu hút khách du lịch được tăng cường và thực hiện thường xuyên; hoạt động hợp tác liên kết ngày càng được mở rộng và thiết thực hơn, các doanh nghiệp chủ động kết nối tour, tuyến và mở rộng thị trường du lịch giữa các vùng, miền trong cả nước.