Du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL: Cần sự cộng hưởng
Ngành Du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần xây dựng chính sách kích cầu du lịch tạo chuỗi liên kết cộng hưởng, tăng giá trị thụ hưởng.
Sáng 22-10, tại Bạc Liêu, Sở Du lịch TP.HCM, Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu chủ trì tổ chức Hội nghị đánh giá điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch liên kết TP.HCM và 13 tỉnh, TP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề “Kết nối hành trình đất phương Nam”.
Các địa phương, doanh nghiệp (DN) du lịch cùng hiến kế và định hướng hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL.
Sản phẩm du lịch trùng lắp, thiếu chiều sâu
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu cho biết, mặc dù có tiềm năng rất phong phú nhưng qua đánh giá du lịch ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế.
"Chương trình liên kết giữa các địa phương và du lịch Bạc Liêu có những bước tiến quan trọng. Ước năm 2023, du lịch Bạc Liêu sẽ thu hút khoảng 4,2 triệu lượt khách và mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón tiếp từ 6 - 7 triệu lượt khách. Bạc Liêu đang từng bước đầu tư hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu riêng và khác biệt." - bà Phương nói.
Đánh giá về sức hấp dẫn khách du lịch trong chương trình liên kết, ông Phan Đông Nhựt - đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hiện có 80 chương trình du lịch đang khai thác với 1,8 triệu lượt khách tham gia thống kê từ 100 DN tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2023.
Số ngày bình quân của các tour khoảng 3,5 ngày với chi phí giá bán tour bình quân cho một khách (theo tiêu chuẩn 3 sao) từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nhựt, liên kết giữa các địa phương còn nhiều hạn chế như sản phẩm chủ yếu theo không gian trùng lắp, chưa đặc thù, thiếu chiều sâu. Chất lượng dịch vụ các điểm đến còn yếu, chưa đồng bộ, các giá trị cộng thêm tại điểm đến chưa được xây dựng.
Ngoài ra, các địa phương chưa định hình chuỗi giá trị du lịch để liên kết chuỗi giá trị trong xây dựng sản phẩm, chưa xây dựng những chính sách cộng hưởng giữa các địa phương trong liên kết.
TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã chiếm khoảng 46% khách du lịch nội địa của cả nước (năm 2022, khách du lịch nội địa đến TP.HCM đạt 31,2 triệu lượt; khách du lịch nội địa đến vùng ĐBSCL đạt khoảng 30,6 triệu lượt).
Ông Nhựt đề xuất: Các địa phương phát triển sản phẩm bằng chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, sinh thái, sông nước, văn hóa lịch sử. Liên kết chuỗi giá trị du lịch đặc trưng tạo ra những sản phẩm đặc thù và hạn chế cạnh tranh lẫn nhau.
Về du lịch đường sông phát triển sản phẩm kết nối TP.HCM và ĐBSCL, đặc biệt tuyến du lịch đường sông quốc tế kết nối TP.HCM đến ĐBSCL và Campuchia bằng tàu cao cấp.
Thúc đẩy mạnh mẽ dòng khách hai chiều
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho hay, các tỉnh trong chương trình liên kết đã hình thành sản phẩm, không gian du lịch kéo dài từ Cần Giờ đến Mũi Cà Mau.
Theo ông Phong, gần bốn năm qua TP.HCM giúp ĐBSCL rất nhiều, ĐBSCL như anh nông dân đi làm du lịch, TP đã hỗ trợ các tỉnh rất nhiều về kĩ thuật, dẫn dắt nhiều cách làm du lịch. Trong đó, Bạc Liêu là địa phương dẫn đầu về doanh số và dẫn đầu về giải pháp hiệu quả.
"TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển du lịch Cần Giờ cần có chiến lược phát triển liên tuyến từ Cần Giờ đến ĐBSCL mới phát huy được giá trị của du lịch sông nước." - ông Phong cho biết.
Về phía TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhìn nhận: Sản phẩm du lịch liên kết thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch, sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của vùng.
Liên kết giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đó cũng là động lực để 14 tỉnh, TP tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động liên kết trong thời gian sắp tới. Một trong những “mắc xích” quan trọng luôn được nhắc đến là cộng đồng DN du lịch, lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch.
Vì vậy, bà Hiếu cho rằng: Mỗi địa phương phải xây dựng những chính sách kích cầu du lịch thật sự hấp dẫn tạo chuỗi liên kết cộng hưởng, tăng giá trị thụ hưởng cho thị trường khách nội địa và quốc tế. TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều, trao đổi dòng khách giữa các địa phương.
TP xác định là cửa ngõ du lịch cũng đang tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết, từ TP về đồng bằng, từ đó đẩy mạnh giá trị của sự liên kết hợp tác phát triển du lịch theo hướng bền vững.
"Mỗi địa phương cần xác định có sản phẩm chủ lực, tham mưu chính sách thu hút đầu tư. Đội ngũ lao động du lịch trong vùng là nhân tố kết nối, quảng bá và ứng dụng triển khai công nghệ số vào khai thác và quản lý tài nguyên du lịch." - bà Hiếu nói.
DN hiến kế phát triển du lịch các tỉnh
Để giữ gìn thương hiệu du lịch của ĐBSCL nói chung và các tỉnh, TP nói riêng, chúng ta đừng xem những sự trùng lắp về sản phẩm là điểm yếu mà hãy xem nó là đặc thù và thế mạnh không chỉ đón khách địa phương mà đón khách vùng khác như miền Trung, miền Bắc và quốc tế.
Từ sản phẩm đặc thù tạo nên sản phẩm dẫn dắt cho du khách địa phương và các vùng kết nối sản phẩm khác tốt hơn cần sự tiên phong của DN và hỗ trợ từ cơ quan quản lý.
DN cần sự hỗ trợ của ngành du lịch Long An, Đồng Tháp, An Giang, nơi có cửa khẩu với Campuchia để tạo sản phẩm du lịch vùng biên giới như sản phẩm Sắc Màu Vùng Biên. Hay hành trình các nhánh sông Cửu Long được kết hợp giữa truyền thống và đặc thù với điểm nhấn cuối cùng là Bạc Liêu và Mũi Cà Mau.
Ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Du lịch trong nước BenThanh Tourist
Ngành Du lịch các tỉnh, thành cần cải thiện tiêu chuẩn về giao thông, môi trường... Hướng dẫn tại điểm đến cần đa năng hơn, không chỉ thuyết minh, giới thiệu mà còn phải chụp hình, hỗ trợ du khách.
Tăng cường sức hút du lịch bằng quà tặng, du khách có thể mang theo xuyên suốt hành trình tiếp theo hoặc mang về nước thì du lịch, điểm đến địa phương được chính du khách tiếp thị, quảng bá.
Hoạt động tiếp thị du lịch cần ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng xu hướng thương mại điện tử, kênh trực tuyến... vươn dài kênh thông tin, cùng DN tiếp cận.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông Tiếp thị Công ty Lữ hành Vietluxtour
Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải là yếu tố tiên quyết để phát triển sản phẩm dịch vụ, các tỉnh cần cải thiện những hạn chế để việc đưa khách vào điểm đến dễ dàng hơn. Các tỉnh nắm bắt xu hướng và tạo ra xu hướng du lịch bằng cách sản phẩm du lịch khác biệt.
Bên cạnh đó, điểm nhấn du lịch không chỉ chất lượng sản phẩm, sự khác biệt mà cần sự đồng bộ của các sản phẩm. DN đang rất cần bộ sản phẩm kích cầu theo từng giai đoạn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/du-lich-tphcm-va-cac-tinh-dbscl-can-su-cong-huong-post757712.html