Du lịch Trà Vinh - Tiềm năng và định hướng phát triển - Bài 1: Tiềm năng phát triển
Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ và mục tiêu đối với ngành du lịch là 'Khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để định hướng đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh'. Đây là mục tiêu có tính khả thi cao so với những lợi thế đang có.
Trà Vinh là tỉnh Duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu; tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Biển Đông. Trà Vinh cách Thành phố Hồ Chí Minh 130km theo Quốc lộ 60 và cách thành phố Cần Thơ 70km theo Quốc lộ 54. Diện tích tự nhiên của tỉnh 2.390km², dân số trên 1,1 triệu người với 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm khoảng 31% dân số.
Là tỉnh được đánh giá có nhiều tiềm năng du lịch, trong đó du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm khác biệt của Trà Vinh so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer cùng những di tích lịch sử, kiến trúc là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa tâm linh.
Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã xác định loại hình du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa, mang nét đặc trưng văn hóa Khmer là sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao.
Với vị trí nằm giữa 02 nhánh sông Mêkông và tiếp giáp với Biển Đông, hình thành nên nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo cho Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Môi trường tự nhiên tuy còn hoang sơ do chưa được đầu tư khai thác, nhưng rất thích hợp cho khách du lịch quốc tế khám phá, trải nghiệm - nét đặc trưng còn lưu lại của vùng đất Tây Nam Bộ.
Là tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông rạch phong phú, đất đai phù sa bồi đắp đã tạo cho Trà Vinh một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và phong phú từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở cả 03 vùng nước mặn, ngọt và lợ. Đây cũng là nguồn nguyên liệu phong phú, hình thành nên những làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo, mẫu mã đẹp làm quà tặng du lịch hoặc quà lưu niệm. Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống cũng là thế mạnh của Trà Vinh. Khách du lịch quốc tế có thể tham gia các hoạt động lao động nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất chế tác ở các làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và khám phá cuộc sống ở vùng nông thôn Nam Bộ.
Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú; là vùng đất cộng cư lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer có sự giao thoa đã tạo nên nền văn hóa ẩm thực với những nét riêng biệt. Ẩm thực của Trà Vinh được tổng hợp và kế thừa từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng để du khách trải nghiệm và thưởng thức như: bún nước lèo, dừa sáp, bún suông, bánh canh Bến Có, bánh tét Trà Cuôn...
Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, người đã gắn bó với ngành du lịch Trà Vinh trong những năm qua khẳng định, Trà Vinh là “Một điểm đến - nhiều trải nghiệm”. Theo Tiến sĩ Tạ Duy Linh đó cũng chính là kết quả của sự chuyển mình phát triển du lịch tại Trà Vinh từ năm 2018 đến nay. Thậm chí trong những năm gần đây, Trà Vinh nổi lên như một hiện tượng “kiểu mẫu” để nhiều địa phương trên cả nước đến học tập kinh nghiệm với triết lý thực hành “du lịch thuận thiên”.
Điều gì đã khiến du lịch Trà Vinh đột phá và tạo được ấn tượng sâu sắc cho du khách gần xa, theo Tiến sĩ Tạ Duy Linh, trước tiên đó là một Trà Vinh dễ kết nối với các thị trường khách lớn của cả nước. Do Trà Vinh chỉ cách Cần Thơ 70km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 130km. Tiếp đến là Trà Vinh đã thành công trong việc “giải nén” các nguồn lực tự nhiên và nhân văn để kiến tạo được các sản phẩm du lịch độc đáo hiếm có của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quan trọng hơn hết là sự khát khao phát triển du lịch các cấp chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh đã chung tay trong việc “chắt chiu từng cơ hội” để thiết kế động lực tăng trưởng cho du lịch Trà Vinh.
Trong khi đó, bàn về cấu trúc sinh thái dành cho du lịch, Tiến sĩ Tạ Duy Linh nhấn mạnh, Trà Vinh hiện còn giữ được nhiều mảng xanh. Trong hoạt động du lịch, Trà Vinh kích hoạt cho du khách một tâm thức được hòa mình vào tự nhiên, hiểu biết thấu đáo về một vùng quê Nam Bộ giàu sức sống và chứa đựng nhiều ký ức hiện sinh. Tiêu biểu phải kể đến như: các điểm du lịch Cồn Chim, Cồn Hô, Cồn Ông là hệ thống điểm đến du lịch cộng đồng gây nhớ thương và tạo nên các nhịp đập thổn thức để du khách sống chậm và hoài niệm. Trong khi nhiều địa phương đang phải loay hoay đi tìm sản phẩm du lịch cốt lõi thì Trà Vinh đã nhận diện và bám trụ vào hệ thống sản phẩm du lịch chủ chốt để sớm đạt được kỳ vọng trở thành “thủ phủ du lịch cộng đồng” của Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bài, ảnh: BÁ THI