Du lịch trải nghiệm mùa cỏ lau biên giới

Dọc theo tuyến quốc lộ 31 từ thị trấn Đình Lập (Lạng Sơn) đến khu vực biên giới giáp ranh với Trung Quốc là 2 xã Bính Xá và Bắc Xa. Điểm nổi bật về du lịch của khu vực này là cung đường tuần tra biên giới dài hơn 34 km, trải dài qua địa bàn 2 xã (Bính Xá, Bắc Xa).

Đồi cỏ lau (Nguồn Dulichdiaphuong.com)

Đồi cỏ lau (Nguồn Dulichdiaphuong.com)

Với địa hình đồi núi điệp trùng, những cung đường tuần tra vắt qua những quả đồi xanh ngút tầm mắt, cùng với thời tiết mát mẻ, quang đãng, khiến đất trời vùng biên cương trở nên hùng vĩ mà khoáng đạt, vời vợi trong mắt người thưởng ngoạn. Đặc biệt là sự nở rộ của bạt ngàn lau đã tạo nên không gian lãng mạn, ngập tràn sức sống cho mảnh đất miền biên viễn xa xôi này. Nhiều người đã đặt cho nơi đây cái tên mỹ miều là “thiên đường cỏ lau”, hay “xứ sở ngàn lau”. Những bông lau cong cong, rung rinh, phất phơ trong gió hai bên đường đi dọc cung đường biên giới Việt - Trung, hay trên những quả đồi lúp xúp và trên đường dẫn lên cột mốc, tạo cảm giác bất ngờ, thích thú cho những người ưa “xê dịch”.

Cung đường tuần tra biên giới.

Cung đường tuần tra biên giới.

Đường lên mốc 1297 (Nguồn Hanhnhanreview.com)

Đường lên mốc 1297 (Nguồn Hanhnhanreview.com)

Ngoài cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng người, cung đường tuần tra biên giới còn có hình ảnh hiên ngang của những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, tiêu biểu như mốc 1288, 1297, 1300 và nhiều cột mốc khác dọc tuyến đường. Đứng lên đỉnh của những quả đồi, bên cột mốc thiêng liêng, du khách có thể thu trọn vào tầm mắt vẻ đẹp của những dãy núi cao, trùng trùng điệp điệp, những bản làng của cư dân bản địa đang sinh sống và phía xa xa lác đác vài ngôi nhà của người dân nước bạn. Từ những cung đường tuần tra biên giới ở Bắc Xa, du khách có thể tiếp tục hành trình đến cung đường biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) để tham quan các điểm du lịch nổi tiếng và tiếp tục chinh phục các cột mốc khác thuộc Bình Liêu như mốc 1302, 1305 và 1327.

Cột mốc 1297/4

Cột mốc 1297/4

Cột mốc 1300

Cột mốc 1300

Nhìn từ mốc 1297

Nhìn từ mốc 1297

Ngoài ra, nằm sâu dưới các chân núi trập trùng của xã Bắc Xa là những khe, suối nước, nơi bắt nguồn của dòng sông Kỳ Cùng. Con sông chảy theo hướng Đông Bắc qua Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn, Thất Khê tới biên giới rồi đổ nước sang Trung Quốc. Tiềm năng từ nơi bắt nguồn của dòng sông chảy ngược là cảm nhận từ sự mát lạnh, tinh khiết của mạch nước đầu nguồn, vẻ đẹp hoang sơ, kỳ diệu của thiên nhiên do tạo hóa ban tặng.

Thác nước đầu nguồn sông Kỳ Cùng tại thôn Khuổi tà, xã Bắc Xa

Thác nước đầu nguồn sông Kỳ Cùng tại thôn Khuổi tà, xã Bắc Xa

Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ xã Bắc Xa

Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ xã Bắc Xa

Điểm xuyết trong vùng đất biên ải trùng điệp là những thôn, bản của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ đã sinh sống từ bao đời nay; (người Nùng chiếm đến 98%). Với phong tục tập quán, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, nơi đây đã hình thành những “đặc sản văn hóa” rất riêng biệt, thú vị. Đặc biệt, khung cảnh thiên nhiên nơi đây không chỉ nên thơ, mà còn mang nét hoang sơ, tự nhiên. Du khách có thể thỏa thê ngắm các ngọn đồi có những vùng cỏ rộng lớn, nơi người dân chăn thả trâu, bò, dê... Những ai thích trải nghiệm có thể lội suối bắt cá, mò ốc cùng bà con dân tộc. Món cá suối nướng thơm lừng sẽ là một dư vị khó quên.

Bản Bắc Xa, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập

Bản Bắc Xa, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập

Hồ chứa nước Bản Lải thuộc địa phận hai huyện Lộc Bình và Đình Lập.

Hồ chứa nước Bản Lải thuộc địa phận hai huyện Lộc Bình và Đình Lập.

Từ cung đường tuần tra biên giới thuộc xã Bính Xá, du khách có thể đến thăm Hồ chứa nước Bản Lải. Đây công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được xây dựng trên sông Kỳ Cùng, thuộc địa phận hai huyện Lộc Bình và Đình Lập./.

Dinhlap.langson.gov.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/du-lich-trai-nghiem-mua-co-lau-bien-gioi-693632.html