Du lịch và sự phát triển của cộng đồng
Du lịch tự bản thân nó là tổng hòa của nhiều yếu tố hữu hình và vô hình. Nếu lấy sản phẩm hay điểm đến là trung tâm, thì xoay quanh là các yếu tố hữu hình như nhà hàng, khách sạn, giao thông - vận tải, viễn thông... Đồng thời, là các yếu tố vô hình như văn hóa ứng xử, tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ, sự cảm nhận và hài lòng của du khách... Chính vì lẽ đó, du lịch không thể cô lập mình nó một thế giới; mà ngược lại, du lịch chỉ có thể phát triển tốt khi có sự tham gia của nhiều ngành kinh tế - dịch vụ liên quan. Đặc biệt, nó chỉ có thể phát triển bền vững nếu gắn chặt với cộng đồng nói chung.
Du khách tham quan suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy).
Có nhận định cho rằng, mỗi người khi đi du lịch và sử dụng phương tiện vận tải địa phương tại điểm du lịch, hay mua các sản phẩm tại địa phương, là đang đóng góp cho một chuỗi các giá trị. Đó là tạo ra việc làm, cung cấp kế sinh nhai và trao quyền cho cộng đồng địa phương. Từ đó, góp phần mang đến những cơ hội mới cho tương lai phát triển tốt đẹp hơn của chính cộng đồng địa phương. Nói cách khác, khi mỗi người quyết định lựa chọn một điểm đến, đó không đơn thuần chỉ là để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, tìm hiểu, khám phá của cá nhân. Du lịch là hoạt động mang tính xã hội cao, đòi hỏi ở du khách tính trách nhiệm khi tham gia hoạt động du lịch. Và ngược lại, để mỗi du khách là một cá nhân có trách nhiệm thì trước hết, cộng đồng địa phương phải nhận thức đúng đắn về du lịch có trách nhiệm. Đó là bảo vệ, gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh và môi trường du lịch an toàn. Nghĩa là phải xây dựng được hình ảnh một điểm đến hấp dẫn, thân thiện, văn minh và xanh - sạch - đẹp.
Bản Ngàm (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) là một trong những điểm du lịch sinh thái cộng đồng, được đưa vào khai thác hơn 1 năm nay. Mặc dù không thể so sánh với một số điểm đến đã có tiếng như bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường (huyện Bá Thước); song bản Ngàm vẫn có sức hấp dẫn riêng của nó. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, thiên nhiên hoang sơ; mà cuộc sống được tiếp diễn bằng nhịp điệu chậm dãi và tưởng chừng tách biệt với thế giới ồn ã bên ngoài. Dòng suối chảy qua bản Ngàm êm ả và sạch sẽ. Các loài cá, tôm trong lòng nó được người dân đánh bắt bằng phương pháp truyền thống và bảo vệ nghiêm nhằm tránh bị tận diệt. Du khách đến đây không chỉ được chèo bè trên suối và bắt cá; mà sẽ được thưởng thức hương vị tươi ngon đặc trưng của cá nướng, được tẩm ướp các gia vị riêng có của người Thái. Đáng nói hơn khi về với bản Ngàm là được trải nghiệm một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, được đồng bào gìn giữ và trân trọng qua nếp sinh hoạt hằng ngày, qua ngôn ngữ, ẩm thực và nhất là lối sống, cách ứng xử chân thành, giản dị, gần gũi và ấm áp. Vậy nên, dù chỉ một lần đến với bản Ngàm, chắc hẳn du khách sẽ có nhiều điều để nhắc nhớ.
Như vậy là, cộng đồng bản địa đã tạo dựng cho du khách một không gian tự nhiên và văn hóa sống động để nghỉ dưỡng, trải nghiệm và làm phong phú hơn vốn hiểu biết. Đến lượt mình, du khách đóng góp cho cộng đồng thông qua việc mua các dịch vụ, quà lưu niệm và ý thức tôn trọng, bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Đó là mối liên hệ lợi ích - trách nhiệm cần được tạo dựng từ cả hai phía. Có như vậy thì những lợi ích mà du lịch mang lại, mới thực sự hướng đến cộng đồng và vì sự phát triển bền vững của chính cộng đồng ấy. Đồng thời, du lịch gắn với cộng đồng cũng chính là trao quyền cho cộng đồng. Dễ hiểu hơn là người dân địa phương cần được gắn kết với các hoạt động du lịch và chia sẻ một cách công bằng các lợi ích kinh tế - xã hội và văn hóa mà chính cộng đồng ấy đã tạo ra. Thực tế, không phải không có hiện tượng người dân bản địa trở thành “khách thể” trong hoạt động du lịch. Nói cách khác, họ chưa được tham gia và chưa được hưởng lợi từ hoạt động du lịch, đang diễn ra trong chính cộng đồng mình. Trong khi hoạt động du lịch có thể được tiến hành bởi các chủ thể khác (doanh nghiệp), nhưng chính cộng đồng địa phương lại là người gánh hậu quả, nếu hoạt động du lịch làm phương hại đến môi trường tự nhiên và nhân văn.
Thanh Hóa đang phát triển đa dạng các loại hình du lịch, bao gồm cả du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch sinh thái - cộng đồng. Song không riêng gì du lịch sinh thái cần có sự hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Bản thân du lịch nghỉ dưỡng biển cũng đã cho thấy, nếu hài hòa lợi ích giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, thì du lịch mới có cơ sở để đổi mới và phát triển. Minh chứng rõ nét nhất có lẽ là Sầm Sơn, khi chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển cho đô thị du lịch biển này không chỉ nằm ở tài nguyên, mà còn nằm ở nhận thức và văn hóa du lịch của người dân địa phương. Đến lượt mình, du lịch văn hóa - tín ngưỡng càng cho thấy vai trò không thể thiếu của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ du lịch. Bởi, dù là tự nhiên hay văn hóa, cũng đều cần được con người gìn giữ. Do đó, không có lý do nào để gạt sự hiện diện của cộng đồng ra ngoài sự phát triển du lịch.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/du-lich-va-su-phat-trien-cua-cong-dong/123452.htm