Du lịch và tiêu dùng ở Trung Quốc bùng nổ kỳ nghỉ lễ 1/5

Mức tiêu thụ của Trung Quốc đã tăng vọt trong kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa kết thúc, từ du lịch, phòng vé, vận tải, giải trí đến lĩnh vực ăn uống. Kỳ nghỉ 5 ngày năm nay được cho là đã vượt mức trước đại dịch về cả số chuyến đi và doanh thu.

Dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố ngày 3/5 cho thấy, trong kỳ nghỉ lễ 1/5 kéo dài 5 ngày năm nay, 274 triệu lượt người đã đi du lịch khắp Trung Quốc, tăng 70,83% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 119,09% của năm 2019. Doanh thu du lịch nội địa tăng gần 129% so với cùng kỳ, đạt hơn 148 tỷ nhân dân tệ (khoảng 21,43 tỷ USD), tăng nhẹ so với trước đại dịch, tương đương 100,66% của năm 2019.

Đường sắt Trung Quốc cũng đã vận chuyển 19,35 triệu hành khách vào ngày 3/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ bắt đầu từ 29/4, tăng khoảng 400% so với năm 2022 dựa trên tính toán của truyền thông nước này. Còn theo ước tính từ Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, trong 8 ngày nhân dịp nghỉ lễ 1/5 (27/4-4/5), đường sắt nước này đã vận chuyển 120 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Du khách đổ về một thị trấn cổ ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc ngày 30/4/2023. Ảnh Tân Hoa xã.

Du khách đổ về một thị trấn cổ ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc ngày 30/4/2023. Ảnh Tân Hoa xã.

Một báo cáo của công ty du lịch trực tuyến Qunar công bố ngày 3/5 cũng cho thấy, lượng người đồng thời mua vé tàu trực tuyến lập kỷ lục và vé các tuyến đường sắt phổ biến trong dịp lễ đã được bán hết chỉ trong vài phút.

Cũng theo dữ liệu của Qunar, lượng đặt phòng khách sạn ở tại các thành phố du lịch nổi tiếng đã vượt mức trước đại dịch 1,9 lần. Các điểm du lịch “hot” như Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, thành cổ Tây An ở Thiểm Tây hay Tây Hồ ở Hàng Châu đã phải hoạt động hết công suất. Đôn Hoàng, điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Cam Túc thậm chí xảy ra tình trạng “tắc lạc đà” do chỉ có 2.400 con đang hoạt động, trong khi mỗi ngày có tới 20.000 đến 30.000 du khách đổ về đây.

Ngay cả những thành phố du lịch ít nổi tiếng trước đây, như Đức Hồng ở Vân Nam, Cam Nam ở Cam Túc, huyện tự trị Ili ở Tân Cương..., cũng chứng kiến lưu lượng giao thông tăng đột biến, khiến lượng đặt phòng khách sạn tăng gấp 10 lần năm 2019.

Dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin hàng không VariFlight cũng cho thấy, số chuyến bay chở khách nội địa đã đạt 13.926 vào ngày 3/5, gấp khoảng 4,4 lần so với năm ngoái.

Trong khi đó, theo Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bán lẻ và ăn uống lớn nước này đã tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống trọng điểm tăng 57,9%. Còn dữ liệu từ nền tảng giao đồ ăn Meituan cho thấy, trong ba ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, lượng tiêu thụ trực tuyến hàng ngày tăng vọt 133% so với năm 2019.

Kỳ nghỉ dài cũng chứng kiến lượng khán giả đến rạp tăng đột biến. Theo nền tảng bán vé Maoyan của Trung Quốc, doanh thu phòng vé dịp 1/5 đã đạt 1,4 tỷ nhân dân tệ tính đến 1 giờ chiều ngày 3/5, so với 1,5 tỷ của năm 2019.

Các ngày nghỉ lễ dịp 1/5 đóng vai trò như một thước đo cho tiêu dùng. Một loạt dữ liệu cho thấy, kỳ nghỉ lễ năm nay được coi là “thịnh vượng nhất” ở Trung Quốc kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 2017./.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/du-lich-va-tieu-dung-o-trung-quoc-bung-no-ky-nghi-le-15-post1017954.vov