Du lịch vào mùa, ca mắc COVID-19 tăng, các tỉnh miền Trung khuyến cáo gì người dân?
Tại Thừa Thiên Huế và Quảng Bình thời gian gần đây ghi nhận một số ca mắc COVID-19 và đang có chiều hướng gia tăng. Ngành y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế, đặc biệt tăng cường tiêm vaccine.
Gia tăng ca mắc COVID-19
Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, số ca mắc COVID-19 sau khi có sự giảm mạnh, có xu hướng tăng trở lại trong tháng 4/2023. Cụ thể, tháng 3/2023, tỉnh chỉ ghi nhận 1 ca nhưng trong 25 ngày đầu tháng 4/2023 phát hiện thêm 66 ca mắc COVID-19 và không có ca bệnh nặng, tử vong.
Tuy nhiên, số liệu thống kê này chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", vì hiện nay các biến chủng của COVID-19 giảm độc lực, nhiều ca mắc mới không có triệu chứng nên người dân có tâm lý chủ quan và không đến khai báo với cơ sở y tế.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho rằng, mặc dù trong thời gian gần đây một số địa phương trên cả nước trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện số ca mắc COVID-19 mới gia tăng trở lại nhưng có thể khẳng định rằng dịch COVID-19 đã và đang được khống chế, kiểm soát tốt.
Dù vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng sẽ xuất hiện thêm các biến chủng, biến thể mới có độc tính, khả năng lây lan cao hơn trong tương lai thì một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, không tham gia tiêm chủng vaccine. Do đó, dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng trở lại luôn hiện hữu.
"Sự giao lưu đi lại giữa các nước, các địa phương thuận lợi, đặc biệt trong dịp lễ hội, du lịch sắp đến và giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa có sự thay đổi thất thường về nhiệt độ là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển các loại virus, vi khuẩn, trong đó có SARS-CoV-2 và vector truyền các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… nên làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch", PGS.TS Trần Kiêm Hảo nhận định.
Theo PGS.TS Trần Kiêm Hảo, tiêm chủng vaccine COVID-19 đến nay vẫn là biện pháp phòng, chống dịch quan trọng nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19. Tiêm đầy đủ các mũi cơ bản và nhắc lại giúp tăng cường và củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể đã giảm dần theo thời gian. Vaccine không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mỗi cá nhân mà còn giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho hay, dịch COVID-19 đang gia tăng ca mắc và có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại, do đó các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với dịch COVID-19.
Người dân cần tuân thủ thông điệp "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" của Bộ Y tế bao gồm đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập sạch sẽ; sử dụng thuốc hiệu quả theo chỉ định, hướng dẫn của cơ quan y tế; tuân thủ các hướng dẫn phòng chống lây nhiễm, chẩn đoán, điều trị COVID-19 khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh…
Chủ động xử lý các chùm ca bệnh
BS. Đỗ Quốc Tiệp - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, từ trung tuần tháng 4/2023 đến nay, tại Quảng Bình ghi nhận một số ca mắc COVID-19 mới. Dù vậy, dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát, không có bệnh nhân nặng, tử vong.
"Không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngay sau khi ghi nhận những chùm ca bệnh tại huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, CDC cử đoàn công tác đến kiểm tra, giám sát và hỗ trợ xử lý, không để lây lan ra diện rộng", BS. Đỗ Quốc Tiệp nói.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, CDC Quảng Bình chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện có ổ dịch nhỏ khẩn trương điều tra, thu dung điều trị, xử lý môi trường và cách ly đúng quy định. Yêu cầu các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, chỉ đạo các trạm y tế giám sát chặt chẽ các ca bệnh điều trị tại nhà, tư vấn theo dõi sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đối với người tiếp xúc gần.
Đồng thời, phối hợp với bệnh viện giám sát, quản lý những ca bệnh điều trị nội trú. Phối hợp với các lực lượng tại địa phương điều tra các trường hợp F1 để tiến hành xử lý theo quy định phòng, chống dịch COVID-19. Phát hiện sớm ca bệnh mới, không để dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng cũng như trong môi trường bệnh viện.
BS. Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch, giảm ca tăng nặng và tử vong. Trong thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện việc bao phủ vaccine cộng đồng. Đặc biệt việc bao phủ vaccine sẽ chú trọng những trường hợp có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19, như người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai...
Giám đốc CDC Quảng Bình cũng khuyến cáo người dân đặc biệt, với nhóm người nguy cơ cao khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng nên đeo khẩu trang và phải tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi xuất hiện triệu chứng của COVID-19 như sốt, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, đau cơ, tiêu chảy, khó thở, mất vị giác hoặc khứu giác, hãy tự cách ly tại nhà và thông tin đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch tập trung đông người sẽ diễn ra nên nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn. Để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị cần tập thực hiện một số nội dung, cụ thể:
Yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên của cơ quan, đơn vị tổ chức sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch phải tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Các địa điểm công cộng, nơi tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, điểm tham quan, du lịch cần bố trí dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại các cửa ra vào và nơi tập trung đông người.
Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về tình hình dịch bệnh COVID-19 cho người dân được biết. Các đơn vị tổ chức sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch cần phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi tổ chức. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ thì tạm thời cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ.