Du lịch Việt: Muốn hút khách phải đổi mới
Các chuyên gia du lịch trên thế giới dự báo năm 2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa), tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng. Nhưng để đạt để đạt được mục tiêu này, du lịch Việt phải đổi mới nhiều hơn nữa.
Tăng tốc đón khách quốc tế
Ngay từ đầu năm, du lịch có những dấu hiệu tăng tốc khi du khách quốc tế chọn điểm đến Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 871.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022 và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, số lượng khách nội địa đạt rất cao với 13 triệu lượt. Khách đông giúp doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng đầu năm 2023 ước đạt 56.000 tỉ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch lữ hành cũng đạt 2.200 tỉ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ. Một số địa phương đón khách du lịch khả quan như: Đà Nẵng, Kiên Giang, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội…
Ghi nhận tại Hà Nội, nhiều du khách quốc tế lựa chọn thủ đô là điểm đến trong hành trình khám phá Việt Nam bởi sau Tết Nguyên đán nơi đây vẫn tràn đầy không khí của mùa xuân, nhất là tại khu vực Hồ Gươm, hồ Tây và những di tích đình, chùa trong lòng Hà Nội.
Jackson Martinez - một du khách đến từ Cananda cho biết: Đến Hà Nội, chúng tôi cảm nhận được không khí lễ hội rất vui. Hà Nội có những khoảng thời gian rất thanh bình, vắng lặng nhưng cũng có những lúc sôi động, náo nhiệt. Đặc biệt, nhiều phụ nữ Hà Nội mặc áo dài truyền thống đi chơi phố và chụp ảnh bên Hồ Gươm nhìn rất quyến rũ.
Bà Kristina, đến từ Australia cũng cảm nhận Hà Nội là một thành phố thật đẹp và thân thiện. “Tôi rất thích những câu chuyện lịch sử và những di sản của Việt Nam, nhất là di sản phi vật thể đã được thế giới công nhận. Chúng tôi đã được nghe hát chầu văn tại Hà Nội trong không khí mùa xuân rất tuyệt. Tôi mong sẽ có thời gian quay lại để tìm hiểu thêm về các địa danh ở đây”, bà Bà Kristina chia sẻ.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố ước đón khoảng 332.000 lượt khách dịp Tết. Trong đó, có 32.000 lượt khách du lịch quốc tế và 300.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1 nghìn tỉ đồng.
Còn tại TPHCM, số liệu thống kê của Sở Du lịch TPHCM cho thấy khách quốc tế đến trong dịp Tết khoảng 65.000 lượt. Khách tại các khu, điểm du lịch, tụ điểm vui chơi giải trí và dịch vụ… ước đạt 1,7 triệu lượt; khách lưu trú tại các cơ sở ước đạt 250.000 lượt; doanh thu ước đạt 6.300 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist Group) cho biết, đã phục vụ hơn 21.000 lượt khách từ hơn 800 đoàn khởi hành liên tục từ 23 tháng Chạp đến mùng 9 tháng Giêng tại hệ thống chi nhánh trên toàn quốc.
Đan xen thuận lợi, khó khăn
Dù vậy, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel nhận định: Du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ từ những con số khả quan của dịp Tết Nguyên đán nhưng động lực tăng trưởng chính vẫn nằm ở thị trường trong nước. Du lịch nội địa vẫn là thị trường kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng. Tần suất bay của các hãng đã tăng nhiều chuyến, hệ thống cung ứng trong nước phục hồi, có nhiều sản phẩm mới, lạ. Trong khi đó, đón khách quốc tế trong bối cảnh các thị trường khác tồn tại nhiều khó khăn là không dễ. "Mục tiêu toàn ngành du lịch năm 2023 đón chỉ 8 triệu lượt khách quốc tế, bằng 45% so với trước dịch, doanh thu dự kiến 650.000 tỉ đồng. Năm 2023 sẽ đan xen thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp và cả ngành", bà Phương Hoàng dự báo.
Nhìn lại năm 2022, Việt Nam công bố mở cửa ngành du lịch đón khách quốc tế rất sớm nhưng kết quả không đạt như kỳ vọng. Do đó, năm nay, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có chiến lược bài bản hơn về xúc tiến, quảng bá tới các thị trường khách quốc tế trọng điểm để không lỡ nhịp lần nữa. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải gỡ các nút thắt hiện nay như sự hạn chế chuyến bay với các thị trường lớn, và phải nới lỏng các yêu cầu về thị thực. Bên cạnh đó, Việt Nam phải nỗ lực mở rộng các cơ sở lưu trú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tiếp tục thúc đẩy dòng khách du lịch.
Nhằm gỡ khó cho du khách quốc tế, mới đây Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế, tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực. Đây là nội dung dự thảo trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mà Bộ VHTTDL vừa kết thúc lấy ý kiến các bộ, ngành. Dự thảo này nhận được sự đồng tình của dư luận và đề nghị cần sớm thực hiện.
Từ phía địa phương, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Chúng tôi đã có văn bản góp ý và đồng tình với nội dung dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt nội dung đề xuất tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực. Đây là mong mỏi ở các địa phương. Thực tế, qua phỏng vấn một số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, với thời gian 15 ngày họ chỉ dành được thời gian đi Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình sau đó bay vào miền Trung, miền Nam luôn. Họ chỉ đi được 3 - 4 điểm của Việt Nam trong 15 ngày. Do vậy, nếu kéo được lên 30 ngày sẽ tăng được thời gian lưu trú của khách du lịch tại mỗi điểm đến. Đồng thời thu hút được thêm nhiều loại khách du lịch, thị trường, nhất là các khách có khả năng chi trả cao hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng thay đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng, tiện lợi cho du khách thì mới tăng được tính cạnh tranh điểm đến Việt Nam. Ngoài ra, các chương trình quảng bá điểm đến, xúc tiến thị trường cũng cần được thiết kế lại, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, quản lý tốt các điểm du lịch. Đặc biệt những hình ảnh ở cửa ngõ sân bay, cửa khẩu cần phải cải thiện, thân thiện hơn…
Nỗ lực làm mới
Bên cạnh gỡ khó về chính sách, hiện các địa phương đang nỗ lực làm mới du lịch để hút khách, như xây dựng sản phẩm du lịch đêm là một trong những định hướng phát triển du lịch của thủ đô nhằm thực hiện mục tiêu thu hút 3 triệu lượt khách quốc tế đến với Hà Nội trong năm 2023. Là đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong các sản phẩm du lịch tại thủ đô, ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist - chia sẻ: Trong thời gian tới, để du lịch thủ đô có thể phục hồi, nhất là khách quốc tế và phát triển một cách bền vững, chúng ta cần xây dựng và làm mới cho bằng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có lợi thế so sánh để phục vụ du khách dựa trên các thị trường trọng điểm.
Các sản phẩm tour đêm đang được Hà Nội triển khai và nhận được sự quan tâm, chú ý của du khách có thể kể đến tour: Đêm thiêng liêng tại Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trần Nhân Tông… Và tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long đang góp phần phát triển kinh tế du lịch đêm và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong nước cũng như khách quốc tế lưu trú tại thủ đô. Bên cạnh đó, các hoạt động chuyển đổi số trong du lịch cũng được chú trọng, đặc biệt là việc phát triển các kênh truyền thông số nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nội đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, năm 2023, Sở Du lịch sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố để thu hút khách trong và ngoài nước. Về sản phẩm mới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hoàn thiện chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Đến thời điểm này, có hơn 60 sản phẩm, trong đó có 30 sản phẩm mới của 20/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức phục vụ du khách. Đáng chú ý, một trong những sản phẩm tạo điểm nhấn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão là sản phẩm du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM). Đây là sản phẩm khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, cùng với các giá trị tự nhiên khác như làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân bản địa, cộng đồng dân cư tại Thiềng Liềng…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu mở các sản phẩm du lịch mới trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long ngay trong năm 2023 sau khi các doanh nghiệp du lịch cảnh báo về nguy cơ tụt hậu của du lịch Quảng Ninh bởi thiếu sản phẩm độc đáo trong khi có nguồn tài nguyên vượt trội.
Nói như ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Marketing và Truyền thông - Công ty Du lịch TST tourist, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thời điểm này, bên cạnh việc thay đổi chính sách visa thì cần những chính sách quảng bá xúc tiến trực tiếp, trọng điểm, đa dạng sản phẩm, để tạo hiệu quả đón khách tốt nhất.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tạo thông thoáng hơn cho du khách quốc tế
Trong xu thế cạnh tranh thu hút khách du lịch với các quốc gia có liên quan thì việc mở rộng các nước được miễn visa và nới thêm thời gian miễn thị thực sẽ tạo thông thoáng hơn cho việc thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam. Năm 2022, chúng ta đặt mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch nhưng không đạt. Năm 2023 chúng ta đặt ra mục tiêu sẽ đón khoảng 8 triệu khách du lịch nước ngoài. Đây là con số không nhỏ, vì vậy cần có những giải pháp mang tính đột phá và việc tăng thời gian miễn thị thực chính là một giải pháp. Cùng với đó, khi đã thấy việc này đúng, phù hợp thì cần tháo gỡ sớm ở phương diện luật pháp.
Việc tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày nếu muốn thực hiện sẽ phải sửa đổi luật nhưng nếu đợi sửa luật mất nhiều thời gian do nhiều thủ tục. Do đó, trước mắt Chính phủ có thể xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết hay một văn bản nào đó phù hợp để tạo điều kiện, tháo gỡ sớm vấn đề "nóng" đang được thực tế đặt ra đối với du lịch. Sau đó sẽ tiếp tục xem xét trình sửa luật.
Ông Phạm Duy Nghĩa - CEO Vietfoot Travel: Không thể bỏ qua thị trường nội địa
Không chỉ riêng Vietfoot Travel mà hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều đã sẵn sàng đón khách quốc tế. Chúng tôi đã lên các kế hoạch, chương trình từ cao cấp đến trung bình và mời chào tới các đối tác quốc tế. Hiện nay đã có rất nhiều đơn vị quốc tế bày tỏ mong muốn hợp tác, chỉ cần đến thời điểm, họ sẽ đưa khách đến Việt Nam. Hiện, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng không phải là ít. Bên cạnh đó, dù kỳ vọng vào lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng cũng không thể bỏ qua thị trường nội địa bởi đây luôn là "mạch máu" chính nuôi sống ngành du lịch còn khách quốc tế sẽ là điều kiện để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.
Năm nay, ngành du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức sự kiện, lưu trú ăn uống nói riêng sẽ có cơ hội bùng nổ, phát triển trở lại. Ngành du lịch có thể sớm quay lại đà tăng trưởng như năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Sau kỳ nghỉ Tết sẽ lại đến cao điểm du lịch hè với chuỗi ngày nghỉ kéo dài dịp 30/4 và kỳ nghỉ hè, báo hiệu du lịch nội địa sẽ còn tăng tốc mạnh hơn nữa.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich-viet-muon-hut-khach-phai-doi-moi-5709462.html