Du lịch Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới
Du lịch Việt Nam có tốc độ phát triển ấn tượng trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời phản ánh vị thế ngày càng tăng, trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.
Lọt danh sách nhóm các điểm đến tăng trưởng cao nhất thế giới
Sau khi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những tín hiệu tích cực. Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 1/8 cho biết, tính chung 7 tháng của năm 2022, nước ta đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trong 7 tháng qua đạt 62%/tháng.
Trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam, 9 thị trường từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tiêu biểu như Campuchia, Singapore, Thái Lan và Malaysia…), còn lại là Mỹ.
Hàn Quốc là thị trường gửi khách tới Việt Nam lớn nhất với 196,2 nghìn lượt (tăng 903,7% so với cùng kỳ); Mỹ đứng thứ 2 với 102,9 nghìn lượt. Mặc dù các thị trường từ châu Âu có số lượng khách đến chưa đông nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất cao, đứng đầu là Anh, tiếp đó là Pháp và Đức.
Trong 10 thị trường, khu vực Đông Nam Á có tới 4 thị trường là Campuchia, Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các thị trường từ châu Âu dù số lượng khách chưa đông nhưng tốc độ tăng trưởng rất cao, đứng đầu là Anh, tiếp đó là Pháp và Đức.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ năm 2021 (chủ yếu là các quốc gia: Mỹ, Australia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức và Thái Lan).
Theo đó, những kết quả đạt được của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện doanh thu và lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch và vận tải du lịch.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh du lịch cũng đang “ấm lên” theo đà phục hồi. Cụ thể, nửa đầu năm 2022, Tổng cục Du lịch đã thẩm định, cấp mới 312 giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy so với 2021), cấp đổi 65 giấy phép, thu hồi 38 giấy phép.Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng…
Tốc độ phát triển ấn tượng đã góp phần phản ánh vị thế ngày càng tăng của du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh bằng nhiều giải thưởng danh giá.
Đáng kể nhất là giải thưởng World Travel Awards, được ví như giải Oscar của ngành du lịch toàn cầu đã vinh danh Việt Nam là: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (năm 2019); Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (năm 2019); Điểm đến hàng đầu châu Á (năm 2018, 2019); Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á (năm 2019); Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á (năm 2019).
Cùng với đó còn rất nhiều giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không... của Việt Nam.
Gần đây nhất, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM là ba đại diện của Việt Nam có mặt trong hạng mục 10 thành phố tốt nhất Đông Nam Á của Giải thưởng Du lịch của tạp chí du lịch nổi tiếng Travel+Leisure (Mỹ). Bên cạnh 3 thành phố sôi động, hai hòn đảo của Việt Nam là Phú Quốc và Côn Đảo cũng góp mặt ở hạng mục 10 hòn đảo hàng đầu Đông Nam Á (Best island in Southeast Asia).
Cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Đây là sự nỗ lực không nhỏ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, trong việc đưa nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ.
Mặc dù đã có bước phục hồi, phát triển mạnh mẽ, song tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm diễn ra vào đầu tháng 7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế mà ngành du lịch đang gặp phải về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hàng không đang có dấu hiệu quá tải, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực du lịch ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch…
Do đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch trong những tháng cuối năm tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về du lịch (dự kiến đầu năm 2023) và nhấn mạnh cần đặt ra những định hướng lâu dài, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế; bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng…
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 – 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%; tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm.
Ngoài ra, phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm. Theo nhận định của các chuyên gia, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trao đổi về mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2022 của ngành du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, với việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2022 đón được khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Tính đến tháng 7/2022, Việt Nam đã đón khoảng 71,8 triệu lượt khách nội địa, vượt chỉ tiêu đề ra. Khách quốc tế đến thời điểm này đạt được hơn 700 nghìn lượt.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, thông thường, khách quốc tế đến Việt Nam cao điểm từ tháng 9 năm nay đến khoảng tháng 4 của năm sau. Việc đạt được mục tiêu đón khách quốc tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề về dịch bệnh. Nhiều thị trường trọng điểm vẫn chưa mở cửa, điển hình là Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam…