Du lịch Việt Nam tụt hạng: Do đâu và giải pháp nào?

Diễn đàn Kinh tế thế giới có thể chưa có đầy đủ dữ liệu thống kê cập nhật về du lịch Việt Nam, dẫn đến việc đánh giá chưa chính xác tác động kinh tế - xã hội của du lịch và chính sách thị thực.

Theo báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố mới đây, Việt Nam đã giảm 3 bậc so với năm 2021.

Báo cáo WEF thay đổi phương pháp đánh giá

Năm 2021, WEF lần đầu tiên công bố Chỉ số Năng lực Phát triển Du lịch, đánh dấu sự thay đổi lớn sau 15 năm áp dụng Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch.

Sự điều chỉnh này xuất phát từ việc WEF chuyển hướng sang phát triển bền vững sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Báo cáo năm 2021 được thiết kế theo 5 nhóm với 17 chỉ số trụ cột và 112 chỉ số thành phần. Tuy nhiên, đến năm 2024, WEF tiếp tục tái cấu trúc Chỉ số, bao gồm 5 nhóm, 17 chỉ số trụ cột và 102 chỉ số thành phần, với nhiều thay đổi quan trọng.

Du lịch TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Hữu Long.

Du lịch TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Hữu Long.

Cụ thể, WEF thay thế chỉ số "Mức độ mở cửa quốc tế" bằng "Mức độ mở cửa du lịch", tập trung vào các chính sách tạo thuận lợi cho du lịch quốc tế như yêu cầu thị thực, thỏa thuận hàng không, lòng hiếu khách và uy tín hộ chiếu.

Chỉ số "Sự bền vững về kinh tế-xã hội" được thay thế bằng "Tác động kinh tế-xã hội của du lịch", nhằm đo lường tác động lan tỏa của du lịch đến kinh tế-xã hội như việc làm, thu nhập và bình đẳng giới.

Ngoài ra, một số chỉ số được đổi tên để phản ánh chính xác hơn nội dung, ví dụ như "Cơ sở hạ tầng và Dịch vụ" thay cho "Cơ sở hạ tầng" và "Sự bền vững của nhu cầu du lịch" thay cho "Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch".

Bất cập trong đánh giá và ảnh hưởng đến Việt Nam

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trong ba năm qua, WEF đã hai lần điều chỉnh phương pháp đánh giá Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu.

Các thay đổi này là phản ánh sự chuyển biến về tư duy và phương pháp tiếp cận sau đại dịch COVID-19. Sự hoàn thiện liên tục của bộ chỉ số này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xếp hạng của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.

Gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế đã đặt chân đến TP.HCM trong Quý 1/2024

Gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế đã đặt chân đến TP.HCM trong Quý 1/2024

Đáng chú ý, chỉ số "Tác động kinh tế-xã hội của du lịch" của Việt Nam chỉ xếp hạng 115/119 nền kinh tế, gây bất ngờ.

Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thường xuyên được đánh giá là điểm sáng trong các báo cáo kinh tế-xã hội, đóng góp lớn vào GDP và thúc đẩy nhiều ngành khác.

Kết quả xếp hạng này được cho là chưa phản ánh chính xác tác động của du lịch Việt Nam, do WEF có thể thiếu dữ liệu thống kê cập nhật.

Tương tự, chỉ số "Mức độ mở cửa du lịch" của Việt Nam xếp hạng 80, thuộc nhóm trung bình thấp thế giới.

Chỉ số này dựa trên báo cáo năm 2015 của Tổ chức Du lịch thế giới về Độ mở Thị thực, chưa phản ánh được những cải thiện lớn về chính sách thị thực của Việt Nam trong thời gian qua.

Cụ thể, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã áp dụng chính sách cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày.

Đối với các nước được miễn thị thực, thời hạn tạm trú được nâng từ 15 lên 45 ngày.

Đây là bước đột phá tạo thuận lợi cho du lịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Làm thế nào cải thiện Chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vẫn ghi nhận những điểm mạnh của du lịch Việt Nam, như sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, mức độ an toàn, an ninh. Cục cũng đề ra một số giải pháp để cải thiện Chỉ số năng lực phát triển du lịch trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tham gia chương trình văn hóa nghệ thuật giới thiệu du lịch Việt Nam - TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tham gia chương trình văn hóa nghệ thuật giới thiệu du lịch Việt Nam - TPHCM.

Để cải thiện Chỉ số Năng lực Phát triển Du lịch, Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp dữ liệu du lịch cập nhật cho WEF, đồng thời phát huy thế mạnh về giá cả cạnh tranh, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và an ninh.

Chỉ số "Hạ tầng hàng không" của Việt Nam đã giảm 17 bậc, điều này đòi hỏi ngành hàng không cần có những biện pháp nâng cao năng lực phục vụ vận tải hành khách. Cụ thể, cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng số lượng ghế cung ứng và mở rộng kết nối mạng bay trong và ngoài nước. Đồng thời, cần xem xét giảm giá vé máy bay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại.

Để cải thiện chỉ số "Sự bền vững về nhu cầu du lịch" (giảm 24 bậc), ngành du lịch cần phát triển thêm các tour du lịch và sản phẩm du lịch hấp dẫn, khuyến khích du khách quốc tế tăng thời gian lưu trú tại Việt Nam. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách quanh năm, giúp giảm tính mùa vụ của du lịch quốc tế. Ngoài ra, cần phát triển thêm các điểm đến mới, điểm đến thứ cấp để giảm thiểu tình trạng quá tải tại các trọng điểm du lịch.

Đối với những hạn chế cố hữu như chỉ số "Y tế và vệ sinh" (hạng 81) và "Sự bền vững về môi trường" (hạng 93), cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương. Các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, và văn minh tại các điểm đến cần được triển khai mạnh mẽ. Theo Nghị quyết 82 của Chính phủ, các điểm đến cần tuân thủ phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Bên cạnh việc khắc phục các điểm yếu, ngành du lịch cần tiếp tục thúc đẩy những chỉ số có dư địa tăng trưởng như “Tài nguyên phi giải trí”, "Nhân lực và thị trường lao động", và "Mức độ sẵn sàng về CNTT và truyền thông". Để đạt được điều này, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ và thống nhất theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 82 của Chính phủ và Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Việc cải thiện Chỉ số Năng lực Phát triển Du lịch là vô cùng cần thiết để nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Để đạt được mục tiêu này, cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hàn Mai

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/du-lich-viet-nam-tut-hang-do-dau-va-giai-phap-nao-c8a74754.html