Tiêu thụ điện lập đỉnh mới, nhìn lại trách nhiệm tiết kiệm điện
Công suất cực đại của hệ thống điện toàn quốc vừa lên tới 49.533 MW, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc lập kỷ lục mới 1,025 tỷ kWh/ngày. Lúc này, việc chia sẻ trách nhiệm tiết kiệm điện rất quan trọng trong bối cảnh nguồn cung điện mới hạn chế.
Công suất cực đại của hệ thống điện toàn quốc lên 49.533 MW
Số liệu mới nhất từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, trong tháng 6, cả công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ theo ngày trên quy mô toàn quốc đã tăng rất cao.
Cụ thể, vào lúc 13h30 ngày 19/6, công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc đã lên tới 49.533 MW. Còn sản lượng tiêu thụ toàn quốc lên mức kỷ lục 1,025 tỷ kWh vào ngày 14/6.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, trong những ngày giữa tháng 6 vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng nhất là ở miền Bắc và miền Trung với một số ngày liên tiếp có nhiệt độ trên 35 độ đã làm tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh mới.
Theo EVN, tiêu thụ điện còn có thể cao hơn cả về công suất và sản lượng, nếu không rải rác có mưa vào chiều tối trong một số ngày gần đây. Tình trạng tăng cao về tiêu thụ điện cũng gia tăng áp lực đáng kể về cung cấp điện.
Đẩy mạnh tiết kiệm điện
Với tinh thần tìm mọi giải pháp đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống, EVN tiếp tục kêu gọi sự chia sẻ và hành động tích cực của người dân, tiết kiệm điện triệt để, đặc biệt là vào các giờ cao điểm trưa từ 11-15h, tối từ 19-23h.
Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ. Chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, với nhiệt độ cao nhất có thể, thay vì để lạnh quá sâu không cần thiết. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm.
Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.
Cùng với giải pháp tiết kiệm điện, EVN và các đơn vị đã và đang chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành tối ưu hệ thống điện, thị trường điện, tăng cường nhập khẩu điện, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để đảm bảo cung cấp điện.
Đến nay, các giải pháp này đều mang lại hiệu quả, việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân đã được đảm bảo, dù mức độ tiêu thụ điện trên thực tế tăng trưởng cao hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến.
Theo EVN, lũy kế 5 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 124,25 tỷ kWh, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, tăng trưởng tiêu thụ điện sinh hoạt tăng 18,08%, thương mại - dịch vụ tăng 18%, công nghiệp - sản xuất tăng 12,15%...
Với mức tăng trưởng trên, đặc biệt là khu vực miền Bắc - ngưỡng 17%, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, việc chia sẻ trách nhiệm tiết kiệm điện rất quan trọng trong bối cảnh nguồn cung điện mới ở khu vực này còn hạn chế.
"Chúng tôi thường xuyên nắm bắt nhu cầu tiêu thụ điện cũng như tăng trưởng điện của các khách hàng ở khu vực phía Bắc và cả chương trình tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu phụ tải điện theo nhu cầu", ông Nguyên nói.
Việc này theo ông Nguyên, sẽ giúp đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện thông qua việc ký cam kết với các khách hàng để thực hiện theo chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp .
"Chúng tôi đã thỏa thuận được với tất cả khách hàng, đặc biệt là khách hàng sản xuất công nghiệp để sẵn sàng tham gia điều chỉnh thời gian sản xuất nhằm tránh giờ cao điểm của hệ thống điện", ông Nguyên nói và cho biết, chương trình này hiện đang được hưởng ứng khá tốt ở tất cả các địa phương.
Song, ông Nguyên cũng thừa nhận, gặp rất nhiều khó khăn khi thuyết phục khách hàng cam kết, bởi lẽ, các cơ chế của luật cũng như các nghị định chưa quy định cơ chế cụ thể để khuyến khích khách hàng tham gia chương trình này.
Do đó, đại diện EVN mong muốn: "Chúng ta xây dựng được chính sách hai bên cùng có lợi. Giải quyết được bài toán thực tế, khi hệ thống khó khăn vào cao điểm, chúng ta khuyến khích khách hàng dịch chuyển hoặc tiết giảm và điều chỉnh phụ tải.
Họ bị ảnh hưởng đến sản xuất rất nhiều, họ không được gì từ phía ngành điện cũng như từ phía Chính phủ, thì đây có lẽ là nút thắt rất lớn ở trong các chương trình quản lý nhu cầu điện".