Du lịch vượt 'bão COVID-19'
Tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, các giải pháp thu hút khách du lịch đã được tính đến nhằm đưa 'ngành công nghiệp không khói' ổn định trở lại.
Do vừa bảo đảm biện pháp phòng chống dịch bệnh do COVID-19, vừa chủ động tuyên truyền phòng chống dịch cho du khách và cộng đồng nên hiện tại, hoạt động ở một số trọng điểm du lịch, dù có sụt giảm, vẫn diễn ra theo chiều hướng khả quan.
Theo Sở Du lịch Hà Nội (tính đến ngày 15/2), khách du lịch đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn đang có xu hướng tăng.
Lượng khách du lịch đến nay đã đạt từ 50-70% so với thời điểm không có dịch; đối tượng giảm nhiều chủ yếu là khách nội địa và du khách Trung Quốc.
Tại một số trọng điểm như: Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tuyến du lịch City Tour …, lượng khách đã tăng so với những ngày đầu tháng 2. Đáng chú ý là trong số khách tham quan, có nhiều khách đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
Sở Du lịch Hà Nội cho biết hiện số lượng khách châu Á đến Hà Nội chiếm 65%, khách châu Âu chiếm 25%, còn lại là các thị trường khác. Trong tình hình dịch bệnh, lượng khách Trung Quốc giảm mạnh, nhưng bù lại một số thị trường khác vẫn tăng đều (Nhật Bản tăng 200%, Ấn Độ tăng 65%…; thị trường khách châu Âu đang phục hồi dần.
Còn ở Thừa Thiên-Huế, Báo Thừa Thiên-Huế dẫn lời ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết lượng khách đến hiện giảm khoảng 15% so với trước khi có dịch bệnh, dự kiến đến khoảng tháng 3-4, lượng khách có thể giảm khoảng 20%. Dù có giảm, song đây là con số có thể chấp nhận được với ngành du lịch Thừa Thiên-Huế trong bối cảnh hiện tại.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tín hiệu mừng là hiện lượng khách đến tham quan các điểm di sản Huế những ngày vừa qua đang ổn định, nhất là khách quốc tế (ngày 9/2 có 7.537 lượt khách, trong đó, 6.363 lượt quốc tế; ngày 10/2 có 7.180 lượt khách, trong đó, 6.113 khách quốc tế…).
Văn phòng Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết các điểm du lịch vẫn duy trì hoạt động và lượng khách cũng đảm bảo. Có được kết quả này là nhờ những thị trường khách truyền thống đến Huế vẫn duy trì ổn định, nhất là các thị trường, như Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á.
Tại Khánh Hòa, dù khách Trung Quốc giảm mạnh nhưng lượng khách du lịch Nga đến tham quan, nghỉ dưỡng những ngày qua vẫn ổn định…
Giải pháp cấp bách nhưng thiết thực
Cuối tuần qua (ngày 13/2), Sở Du lịch Hà Nội tổ chức cuộc họp với gần 40 khách sạn trên địa bàn để chuẩn bị điều kiện tốt nhất trong việc đón lượng khách lớn trong thời gian tới.
Theo kế hoạch năm 2020, nhiều sự kiện chính trị, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế sẽ diễn ra tại Hà Nội như: Giải đua xe Công thức 1 (F1) dự kiến vào đầu tháng 4; Năm Chủ tịch ASEAN; các ngày lễ trọng đại của đất nước và Thủ đô… Đây được xem là cơ hội lớn để thúc đẩy ngành du lịch Thủ đô phát triển.
Yêu cầu quan trọng nhất là ngành du lịch Hà Nội phải chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng phục vụ các đoàn khách lớn ngay khi hết dịch.
Đại diện một số khách sạn 4, 5 sao lớn tại Hà Nội, như: Movenpick, Grand Vista, Sheraton, InterContinental, Crowne Plaza, Mường Thanh, Bảo Sơn… cho biết đã thực hiện các giải pháp khử khuẩn, phát khẩu trang, cung cấp nước rửa tay cho du khách. Nhiều khách sạn trang bị máy đo thân nhiệt cho khách khi đến và ra vào khách sạn. Có khách sạn bố trí bác sĩ riêng để phục vụ khách.
Các công ty lữ hành như: Hanoitourist, Vietrantour, Hanoi Redtour… bắt đầu xây dựng chính sách tìm hướng mở rộng thị trường, chủ động đón khách từ châu Âu, Mỹ, Australia… đến Hà Nội và ngược lại.
Tại Thừa Thiên-Huế, đại diện Sở Du lịch cho biết tỉnh tiếp tục hướng đến các thị trường truyền thống, đồng thời tập trung xây dựng các sản phẩm phục vụ du khách cùng với các dịch vụ để thu hút thêm khách ở một số thị trường khác.
Còn với du lịch Khánh Hòa, để khôi phục lượng khách, ngành du lịch sẽ tập trung vào thị trường nội địa, giữ môi trường du lịch lành mạnh. Đối với thị trường khách quốc tế, ngành phối hợp với hàng không để chuẩn bị đón khách thật tốt, đồng thời chuẩn bị nguồn lực, công cụ để triển khai hiệu quả chương trình quảng bá, xúc tiến tại Hà Nội, TPHCM, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…
Các địa phương hy vọng, với việc ứng phó hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Việt Nam là điểm đến an toàn với khách du lịch.
Trong một diễn biến liên quan, trong buối làm việc với Tổng cục Du lịch giữa tuần trước (ngày 11/2), Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu ngành du lịch sớm hoàn thiện kế hoạch và giải pháp phục hồi thị trường chứ không chờ hết dịch.
Bộ trưởng cho rằng đây là cơ hội để ngành du lịch cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Vì vậy ngành du lịch triển khai ngay các gói kích cầu để thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch nội địa, đồng thời, cần tăng thêm nguồn lực cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch ở cả trong nước và nước ngoài.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/du-lich/du-lich-vuot-bao-covid19/387739.vgp