Dữ liệu số là nguồn lực quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội
Tại buổi lễ chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, diễn ra sáng 10/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, do đó, cần ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng.
Dữ liệu số là tài nguyên quốc gia
Thời gian qua, chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày; cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, đạt 95%.
Cùng với đó, trong hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hằng ngày, hằng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Nhìn vào những thành tích trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây mới chỉ là những thành công bước đầu và thời gian tới cần nỗ lực giải quyết nhiều hạn chế, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, nhất là dữ liệu số.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ 4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số nói chung và trong tạo lập, khai thác dữ liệu số. Trong đó, phải có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua.
Vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau; ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực của chuyển đổi số. Mục tiêu là để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và các Bộ, ngành liên quan cần nỗ lực giải quyết nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, tiêu biểu như dữ liệu số, hạ tầng số, an toàn thông tin, an ninh mạng và nhân lực.
Lực lượng sản xuất mới là Công nghệ Số
Cũng tại buổi lễ chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bất kỳ quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số phát triển nhanh vì nó tạo ra kinh tế số. Chuyển đổi số phát triển bền vững vì ít tiêu tốn tài nguyên hơn, sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu, làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế bởi môi trường số không có khoảng cách, không tiếp xúc. Chuyển đổi số phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh trong không gian mạng, người nào nắm nền tảng số sẽ nắm dữ liệu và nắm quyền quyết định. Bởi vậy, nền tảng số Việt Nam chính là lời giải tạo đột phá cho chuyển đổi số của đất nước.
Trong những năm qua, mục tiêu phổ cập số luôn được xác định là trọng tâm, có gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, bản để hướng dẫn người dân chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện tại ngành Thông tin và Truyền thông đang triển khai 4 trợ lý ảo quan trọng: trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp, trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp, trợ lý ảo ngành tư pháp và cuối cùng là trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân.