Dư luận bất bình vì tình trạng người nước ngoài núp bóng thâu tóm bất động sản
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, thời gian qua, dư luận rất bất bình với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là các thành phố có giá trị đắt đỏ, thành phố du lịch.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Quốc hội, ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề cập đến nội dung về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tại Điều 19, 20 và 22 của Dự thảo Luật.
Trong 3 điều của Dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ kèm theo một số quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, thời hạn sở hữu và quyền sở hữu.
Ông Cường cho hay, mặc dù Dự thảo luật không quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hay không. Tuy nhiên, có thể thấy nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với Điều 5 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về người sử dụng đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không bao gồm cá nhân người nước ngoài.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định "trường hợp cá nhân người nước ngoài mua nhà ở của chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của Luật Nhà ở, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì các nội dung liên quan về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở".
Cũng theo ông Cường, liên quan nội dung này, tại điểm c khoản 1 Điều 19 quy định: “Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam”.
“Khoản 3 Điều 21 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, quy định như vậy theo tôi là quá rộng, cần phải được nghiên cứu, cân nhắc. Đặc biệt lưu ý việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không. Ngoài ra, việc quy định này có xung đột với các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không”, ông Cường nêu.
Cũng theo đại biểu theo quy định hiện nay và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh và lưu trú của người nước ngoài đang trình Quốc hội thì thời gian thị thực được cấp cho khách nước ngoài vào Việt Nam tối đa là 90 ngày, trừ một số trường hợp khác như lao động, đầu tư, nhưng thời gian nhiều nhất cũng là 5 năm đối với nhà đầu tư.
“Nếu được sở hữu nhà ở thì những người được cấp thị thực có thời hạn ngắn dưới 1 năm có quyền tiếp tục ở lại Việt Nam sau khi hết thời hạn thị thực hay không? Vấn đề này cần phải được xem xét, nghiên cứu quy định kỹ lưỡng, tránh việc có thể dẫn đến khiếu kiện và tranh chấp pháp lý quốc tế”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, vấn đề tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một vấn đề lớn, hệ trọng và nhạy cảm, vừa liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh, quốc phòng quốc gia, vừa cân nhắc để đảm bảo phù hợp với xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Do đó, ông Cường cho rằng, vấn đề này cần được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thống nhất, tiếp cận đồng bộ với các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định cá nhân có đủ điều kiện về nhà ở, đặc biệt là cá nhân người nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là vấn đề rất nhạy cảm, hệ trọng, do đó, đề nghị nên có cân nhắc cụ thể.
Ngoài ra, theo ông Hòa, quy định cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà đất là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều, không lẽ họ muốn mua nhà là được? Do đó, ông Hòa đề nghị nên có cân nhắc, nên thận trọng.
“Nên chăng, chỉ tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư vào Việt Nam của người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà đất ở Việt Nam. Trong khi đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài".
Thời gian qua, dư luận rất bất bình cho việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là các thành phố có giá trị đắt đỏ, thành phố du lịch. Nếu như có quy định trong luật thì cũng cần nên có giới hạn về thời hạn sử dụng”, ông Hòa nêu.