Dư luận dậy sóng khi vé tham quan rồng Komodo ở Indonesia tăng 25 lần

Giới chức Indonesia đã khiến dư luận xôn xao khi yêu cầu du khách phải trả 250 USD để có thể tham quan loài vật có nguy cơ tuyệt chủng, thay vì 10 USD như trước đây.

Từ tháng 8, du khách đến thăm Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia có thể phải bỏ gần 250 USD để có thể xem cận cảnh loài rồng Komodo - sinh vật ăn thịt bị liệt vào sách đỏ.

Với số tiền đó, họ có thể đến tham quan loài vật này không giới hạn trong một năm, dù chính phủ đã thu hẹp số lượng du khách đến khu bảo tồn mỗi năm - từ 300.000 người xuống còn 200.000 người.

Nằm tại tỉnh Đông Nusa Tenggara, Vườn Quốc gia Komodo là nơi bảo tồn loài thằn lằn lớn nhất và nặng nhất thế giới. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ước tính chỉ còn khoảng hơn 3.300 cá thể rồng Komodo, và có thể suy giảm 30% trong 45 năm tới.

Trước đây, du khách chỉ phải trả 10 USD để tham quan. Thông báo tăng giá mạnh từ Bộ trưởng Môi trường Sandiaga Uno tuần này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều cả trong nước và quốc tế.

Giá vé tăng 25 lần

Ông Uno nói với 3,75 triệu rupiah (250 USD), du khách có thể đến tham quan tùy thích trong 12 tháng, cho biết điều này sẽ giúp giới chức địa phương có kinh phí để duy trì hệ sinh thái, bao gồm xử lý chất thải và cung cấp nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo cho loài vật này. Ngoài ra, du khách còn được tặng những món quà lưu niệm.

 Rồng Komodo tại Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: World Travel Guy.

Rồng Komodo tại Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: World Travel Guy.

Vị bộ trưởng cho rằng chính phủ “khá tự tin” chính sách này sẽ thu hút thêm nhiều khách tham quan, “khi họ đánh giá cao nỗ lực bảo tồn của chúng tôi và những hành động nhằm phát triển các điểm du lịch khác ở Đông Nusa Tenggara".

Jakarta đã chọn thị trấn Labuan Bajo - nơi có khu bảo tồn rồng Komodo - là một trong năm điểm đến lý tưởng của du khách. Bộ trưởng Uno nói rằng việc giới hạn 200.000 người đến công viên mỗi năm sẽ đảm bảo mang đến “những tác động tích cực đến chất lượng và sự sáng tạo bền vững của nền kinh tế ở Labuan Bajo và Flores”.

"Hiện tại, việc giới hạn lượng khách là điều cấp bách để chúng tôi không phải hối hận sau này", ông nói. Việc áp dụng phí tham quan mới tại Vườn Quốc gia Komodo sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8.

Cán cân giữa bảo tồn và du lịch

Đây không phải lần đầu Indonesia cố thay đổi phí vào cửa tại vườn quốc gia này, vốn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1991.

Vào năm 2019, giới chức địa phương đã loại bỏ kế hoạch cấm khách du lịch đến khu bảo tồn rồng Komodo, đồng thời gây xôn xao dư luận quốc tế sau khi đề xuất du khách phải trả 1.000 USD mỗi năm cho cái gọi là thành viên cao cấp - cho phép họ tham quan toàn bộ công viên. Trong khi đó, các loại vé hạng thường có thể đến mọi nơi ngoại trừ đảo Komodo - khu vực chính của công viên.

Dù vậy, việc bảo tồn vườn quốc gia là mối quan tâm lớn của Jakarta, khi hoạt động du lịch và tình trạng buôn lậu ồ ạt đe dọa đến sự tồn vong của loài rồng Komodo.

Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ các thành viên của một đường dây buôn lậu vào năm 2019, thu giữ 5 con rồng Komodo cùng nhiều giống loài nguy cơ tuyệt chủng khác. Loài thằn lằn này đã được bán trên mạng với giá 1.400 USD mỗi con.

Một năm sau, hình ảnh con rồng Komodo đứng cạnh một xe tải xây dựng đã tạo ra phản ứng dữ dội với kế hoạch cải tạo nơi ở của loài vật này thành điểm tham quan.

 Hình ảnh một con rồng Komodo bên cạnh xe tải xây dựng đã khiến những nhà bảo tồn dậy sóng, phản đối việc xây dựng công viên ngay trên môi trường sống của loài vật này. Ảnh: BBC.

Hình ảnh một con rồng Komodo bên cạnh xe tải xây dựng đã khiến những nhà bảo tồn dậy sóng, phản đối việc xây dựng công viên ngay trên môi trường sống của loài vật này. Ảnh: BBC.

Vào tháng 7/2021, UNESCO đã đệ đơn kêu gọi chính quyền Indonesia dừng tạm thời dự án trên và nói Jakarta gửi bản đánh giá tác động đến môi trường cho IUCN xem xét. Dù vậy, giới chức nước này nói rằng dự án sẽ tiếp tục và “không có tác động” đến môi trường sống của loài rồng Komodo.

Dư luận đã có nhiều ý kiến về mức phí mới tại công viên. Một số du khách trong nước muốn hủy chuyến đi và hoàn tiền khi công viên áp dụng mức phí mới.

"Các ông đang từng bước giết chết chúng tôi. Doanh nghiệp địa phương đang cố phục hồi kinh tế", Ansi Semadi, một hướng dẫn viên du lịch tại đảo Flores, nói rằng chính phủ đã "tham lam" khi đưa ra mức phí quá cao.

Trong khi đó, Harris Zainul, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Malaysia), cho rằng việc cân bằng giữa có kinh phí cho bảo tồn và giúp mọi người tiếp cận với loài rồng Komodo luôn là vấn đề khó khăn.

Trần Hoàng

Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-luan-day-song-khi-ve-tham-quan-rong-komodo-o-indonesia-tang-25-lan-post1336601.html