Dư luận quốc tế kêu gọi Myanmar giải quyết bất đồng thông qua đối thoại
Một số nước trong khu vực đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar và kêu gọi các bên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Quân đội tạm quyền 1 năm
Một tuyên bố trên một đài truyền hình thuộc sở hữu của quân đội cho biết, họ đã tiến hành bắt giữ để đối phó với "gian lận bầu cử" và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm.
Các tướng lĩnh đã di chuyển vài giờ trước khi Quốc hội Muanmar dự kiến nhóm họp lần đầu tiên kể từ chiến thắng vang dội của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2020, được coi là cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ dân chủ non trẻ của bà Suu Kyi.
AP viết, tuyên bố của quân đội đưa ra căn cứ pháp lý khi trích dẫn một phần Hiến pháp năm 2008, vốn được soạn thảo trong thời kỳ quân đội nắm quyền, cho phép quân đội tạm quyền trong thời gian tình trạng khẩn cấp có hiệu lực. Thông báo cũng cáo buộc chính phủ đã không hành động trước những cáo buộc của quân đội về gian lận bầu cử.
Thông báo của truyền hình quân sự cho biết, Tổng tư lệnh Quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing sẽ điều hành đất nước, trong khi Phó Tổng thống Myint Swe, một cựu tướng lĩnh, đồng minh thân cận của cựu lãnh đạo quân đội Than Shwe, sẽ được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống.
Trong các cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, đảng của bà Suu Kyi đã giành được 396 trong số 476 ghế tại lưỡng viện. Quân đội đã cáo buộc có gian lận bầu cử, tuy nhiên đã không đưa ra được bằng chứng. Ủy ban Bầu cử Myanmar hồi tuần trước đã bác bỏ cáo buộc.
Trong bối cảnh tranh cãi về các cáo buộc, quân đội hôm thứ Ba tuần trước tuyên bố trước cuộc họp báo, quân đội sẽ "tuân theo luật pháp phù hợp với hiến pháp", hàm ý một vụ đảo chính; tiếp theo là việc bất ngờ triển khai xe bọc thép ở một số thành phố lớn.
Tuy nhiên, vào thứ Bảy và Chủ nhật, quân đội phủ nhận họ đe dọa một cuộc đảo chính, cáo buộc các tổ chức và phương tiện truyền thông đã xuyên tạc quan điểm của họ.
Bất ổn
Trong những giờ qua, các đường dây điện thoại đến thủ đô Naypyitaw của Myanmar và trung tâm thương mại chính của Yangon đều không liên lạc được trong khi truyền hình nhà nước đã tắt sóng. Mọi người đổ xô đến các khu chợ ở Yangon để tích trữ thực phẩm và vật dụng trong khi những dòng người khác xếp hàng dài tại các cây ATM để rút tiền mặt, theo Reuters.
Người dân cho biết các binh sĩ đã chiếm giữ các vị trí tại tòa thị chính ở Yangon, trong khi dữ liệu internet di động và dịch vụ điện thoại trong trụ sở của NLD đã bị gián đoạn. Dịch vụ giám sát NetBlocks cho biết, kết nối Internet cũng đã "tụt" nguồn.
Một cảm giác bất an ngự trị trong dân chúng. Mọi người đang dỡ bỏ những lá cờ của đảng NLD của bà Suu Kyi từng trang trí nhà cửa và cơ sở kinh doanh của họ. Công nhân tại một số doanh nghiệp đã quyết định hồi hương.
Các nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng
Trước diễn biến tại Myanmar, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về vụ bắt giữ. Tân Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi thả các nhà lãnh đạo, bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng và báo động" về các vụ bắt giữ.
“Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo dân sự và tôn trọng ý chí của người dân đã được thể hiện trong các cuộc bầu cử dân chủ,..”, ông Blinken viết.
Phát ngôn viên của LHQ dẫn lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án việc giam giữ bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo chính trị khác, đồng thời "kêu gọi giới lãnh đạo quân đội tôn trọng ý chí của người dân Myanmar"; bày tỏ những diễn biến ở Myanmar là "một đòn giáng mạnh vào cải cách dân chủ".
Chính phủ Australia cho biết họ "quan ngại sâu sắc trước các báo cáo rằng quân đội Myanmar một lần nữa đang tìm cách giành quyền kiểm soát Myanmar".
Nhật Bản nói, đang theo dõi sát tình hình và không có kế hoạch hồi hương các công dân nước này từ Myanmar, trong khi Bộ Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc đảo chính.
Singapore cũng tuyên bố lo ngại về tình hình đang diễn ra ở Myanmar, kêu gọi tất cả các bên hướng tới một giải pháp hòa bình, Bộ Ngoại giao nước này cho biết.