Dư luận sau vụ cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị tấn công

Ngày 8/7, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bị bắn và thương nặng khi đang có bài phát biểu tranh cử cho các ứng cử viên cùng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) tại tỉnh Nara, miền Tây nước này. Ông Abe đã nhanh chóng được đưa đến bệnh viện trong bối cảnh các quan chức cho biết ông không còn thở và tim đã ngừng đập.

Cảnh sát đã bắt kẻ tình nghi gây ra vụ việc tại hiện trường. Cảnh sát tỉnh Nara xác nhận đối tượng tình nghi là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, bị bắt vì tội cố ý giết người. Đài truyền hình NHK cho hay đối tượng từng làm việc cho Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản trong 3 năm vào thập niên 2000.

Nghi phạm bị khống chế với khẩu súng hoa cải tự chế - Ảnh: TTXVN

Tại hiện trường, các nhân viên an ninh đã phát hiện và thu giữ vũ khí gây án. Vũ khí này được cho là một khẩu súng tự chế 2 nòng. Theo đài truyền hình TBS, ông Abe bị bắn vào vùng ngực trái và vùng cổ. Airo Hino - Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Waseda - nhấn mạnh đây là vụ việc chưa từng có tiền lệ ở Nhật Bản. Nhật Bản được cho là một trong những quốc gia an toàn nhất và có luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông Abe đang trong “tình trạng nguy kịch” và bày tỏ hy vọng nhà cựu lãnh đạo Nhật Bản sẽ qua khỏi. Ông Kishida gọi vụ tấn công này là “hèn hạ và tàn bạo”, đồng thời cho biết vụ việc xảy ra ngay trong chiến dịch tranh cử của Nhật Bản, vốn là nền tảng dân chủ, là điều không thể tha thứ.
Ngay sau vụ nổ súng, ông Kishida đã cùng các bộ trưởng trong nội các Nhật Bản nhanh chóng dừng mọi hoạt động tranh cử và quay trở về Tokyo. Ông Kishida phát biểu tại Văn phòng chính phủ: “Từ sâu trong trái tim, tôi cầu nguyện cho cựu Thủ tướng Abe qua khỏi”, đồng thời cho biết ông Abe đang được điều trị khẩn cấp.
Ông Abe, 67 tuổi, là nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Nhật Bản trước khi từ chức năm 2020, đang được điều trị tại khoa tim mạch và hô hấp thuộc bệnh viện địa phương. Theo hãng tin AP, ông Abe là một trong những nhà lãnh đạo có thiên hướng bảo thủ và gây chia rẽ sâu sắc nhất tại Nhật Bản.
Thư ký nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói: “Một hành động hèn hạ như vậy là không thể tha thứ, bất kể lý do là gì, và chúng tôi kịch liệt phản đối điều này”.
Nhiều quan chức quốc tế đã bày tỏ bị sốc về vụ việc. Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Bali (Indonesia), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: “Chúng tôi xin dành những lời cầu nguyện và sự quan tâm sâu sắc đến ông Abe và gia đình, cũng như toàn thể người dân Nhật Bản”. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel viết trên Twitter: “Ông Abe là một nhà lãnh đạo xuất chúng của Nhật Bản và là đồng minh vững chắc của nước Mỹ. Chính phủ và người dân Mỹ cầu chúc bình an cho ông Abe và gia đình, cũng như cho người dân Nhật Bản”.

Ông Abe Shinzo bị bắn với 2 phát súng hoa cải

Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vụ việc xảy ra với ông Abe là một “tin dữ”. Trên mạng xã hội, Trump cho biết ông Abe “là một người bạn đích thực của tôi, và quan trọng hơn là của nước Mỹ. Đây là cú sốc lớn đối với những người dân Nhật Bản dành tình cảm và sự trân trọng cho ông ấy. Chúng tôi cầu nguyện cho Shinzo và gia đình ông!”.
Ông Abe từ chức năm 2020 vì lý do sức khỏe. Ông bị bệnh viêm loét đại tràng từ khi còn trẻ và từng cho biết căn bệnh này đã được kiểm soát. Thời điểm đó, ông bày tỏ tiếc nuối vì còn nhiều mục tiêu chưa hoàn thành, trong đó nổi bật là vấn đề người dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, tranh chấp lãnh thổ với Nga và việc xem xét lại định hướng phi chiến tranh trong Hiến pháp Nhật Bản - mục tiêu bị cho là khiến ông trở thành biểu tượng gây chia rẽ ở nước này. Năm 2014, chính quyền Abe lên kế hoạch tái định hướng Hiến pháp, theo đó cho phép sử dụng biện pháp tự vệ cùng các nước đồng minh, ngay cả khi không có cuộc tấn công nào nhắm vào Nhật Bản, đồng thời mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ theo luật an ninh mới của nước này năm 2016.
Theo những người ủng hộ ông Abe, di sản của ông là việc tăng cường quan hệ Nhật-Mỹ nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của Tokyo. Tuy nhiên, ông Abe cũng gây ra nhiều mối thù địch khi áp đặt các mục tiêu quốc phòng và nhiều vấn đề khác thông qua Quốc hội, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của công chúng.
Ông Abe trở thành thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản ở tuổi 52 vào năm 2006, song nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã kết thúc 1 năm sau đó cũng vì lý do sức khỏe. Khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, ông cam kết tái phục hồi vị thế của Nhật Bản và đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát với công thức “Học thuyết kinh tế Abe”, kết hợp giữa kích thích tài chính, nới lỏng hệ thống tiền tệ và cải cách cấu trúc. Ông đã giành chiến thắng trong 6 cuộc bầu cử quốc gia và tạo thế cầm quyền vững chắc, tăng cường vai trò và năng lực của quốc phòng Nhật Bản, cũng như quan hệ đồng minh với Mỹ. Ông cũng góp phần nâng cao giáo dục về lòng yêu nước tại các trường học và làm tăng uy tín của Nhật Bản trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, ông còn có công giúp Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020./.

Nguyễn Minh Tuấn

VNEWS

Nguồn VNEWS: https://vnews.gov.vn/news/du-luan-sau-vu-cuu-thu-tuong-nhat-ban-shinzo-abe-bi-tan-cong-45139.htm