Dư luận Úc rúng động với vụ bê bối liên quan người thân ông Tập Cận Bình
Theo The Age, các hoạt động của Tom Zhou và Ming Chai còn cung cấp một cái nhìn sâu sắc hiếm hoi về mối liên hệ giữa số tiền khổng lồ được di chuyển khỏi Trung Quốc và những người có quan hệ chính trị thông qua việc đánh bạc tại Crown.
Theo MSN, hàng chục ngàn tài liệu và hồ sơ nội bộ bị rò rỉ từ bên trong công ty sòng bạc Crown Resorts đã phơi bày mối quan hệ chặt chẽ nguy hiểm của nó với tội phạm có tổ chức và các quan chức an ninh Úc bị người Trung Quốc mua chuộc. Nó cũng cho thấy an ninh quốc gia của Úc đang đứng trước những rủi ro nghiêm trọng.
Một cuộc điều tra chung của 3 tờ báo lớn của Úc là 60 Minutes, The Age và The Sydney Morning Herald cho thấy Ming Chai, người anh em họ của Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những hành khách trên máy bay riêng phục vụ các thành viên cao cấp của sòng bạc. Điều này được các đặc vụ liên bang tại Gold Coast phát hiện sau khi điều tra vụ rửa tiền vào năm 2016, nhưng giờ mới được lôi ra ánh sáng.
Các hành khách cũng nằm trong diện được ASIO (cơ quan tình báo trung ương Úc) đặc biệt theo dõi với quan ngại một số người trong đó - bao gồm cả một người chạy trốn lệnh truy nã quốc tế - có thể tham gia vào các hoạt động ảnh hưởng của người Trung Quốc với hệ thống chính trị Úc.
Cuộc truy lùng của cảnh sát đã phát hiện ra vai trò của kẻ bị Interpol truy nã là Tom Zhou. Theo The Age, triệu phú Zhou là người dính dáng đến điều hành của Crown, chuyên tổ chức các lò đánh bạc từ Trung Quốc đến các sòng bài ở Melbourne và Perth.
Zhou đã mua chuộc một sĩ quan cảnh sát bang Victoria (hiện đã bị đình chỉ) và các nhân viên thực thi pháp luật khác làm việc cho y. Các nhân viên an ninh biến chất này đã trở thành nhóm bảo kê cho Zhou và Ming Chai (người được báo chí Úc khẳng định là anh em họ của ông Tập Cận Bình), trên một số chuyến bay riêng chuyên phục vụ khách VIP và VVIP (siêu VIP) đánh bài.
Dữ liệu cũng tiết lộ các giao dịch của Crown với Chai. Theo The Age, Chai vốn là cựu quan chức cảnh sát Trung Quốc và là con bạc siêu VIP của Crown. Chai từng phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng được báo cáo công khai ở Trung Quốc, mặc dù y chưa bao giờ bị buộc tội và là đối tác kinh doanh của Zhou. Cả hai người đều trên chiếc máy bay riêng ở New Zealand khi hành khách bị các đặc vụ liên bang thẩm vấn tại sân bay Coolangatta vào ngày 17.8.2016.
Vụ rò rỉ dữ liệu cung cấp thêm bằng chứng về một "đường dây nóng" khẩn cấp đặc biệt giữa Crown và nhân viên lãnh sự khi công ty cần thị thực nhanh chóng cho các con bạc VIP và VVIP. Chỉ huy Lực lượng Biên phòng Úc đã bị cách chức, Roman Quaedvlieg, nói rằng ông đã được trải nghiệm về mối quan hệ tốt của Crown với giới chính trị Úc. Quaedvlieg nói rằng ông được một số thành viên của quốc hội, trong đó có hai bộ trưởng, tác động để các con bạc Trung Quốc được nhanh chóng nhập cảnh trót lọt.
Như vậy, điều The Age chỉ ra thông qua thú nhận của Quaedvlieg có 2 vấn đề đáng lo ngại đối với người Úc. Thứ nhất, hệ thống chính trị của Úc đang bị lũng đoạn tới mức bắt đầu xuất hiện sự nhờ vả và tác động đến cả hệ thống hành pháp và an ninh. Thứ hai, các quan chức đến cấp bộ trưởng lại bị mua chuộc bởi người Trung Quốc nên mới vận động đằng sau để bảo kê cho các con bạc Trung Quốc.
Theo The Age, các hoạt động của Tom Zhou và Ming Chai còn cung cấp một cái nhìn sâu sắc hiếm hoi về mối liên hệ giữa số tiền khổng lồ được di chuyển khỏi Trung Quốc và những người có quan hệ chính trị thông qua việc đánh bạc tại Crown. Báo chí Úc không chỉ coi đây là một vụ đánh bạc bất hợp pháp mà còn cho rằng nó là một đường dây rửa tiền lớn lũng đoạn cả hệ thống an ninh của họ.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Úc cho biết tất cả các đơn xin thị thực được đánh giá như nhau và bộ phận này "không có bằng chứng" về các ưu đãi đặc biệt được thực hiện cho khách hàng của Crown.
Crown Resorts phủ nhận mọi vi phạm luật pháp Trung Quốc và cho biết họ không bị buộc tội phạm pháp tại Trung Quốc. Đồng thời, họ "bác bỏ mọi cáo buộc rằng họ cố tình để nhân viên của mình trước nguy cơ bị giam giữ tại Trung Quốc".
Trong một tuyên bố, Crown Resorts nói về mối quan hệ của mình với các nhà khai thác và cá nhân: "Crown không bình luận về hoạt động kinh doanh với các cá nhân hoặc doanh nghiệp cụ thể".
Trong một tuyên bố thông qua luật sư của mình, ông Packer (người được báo chí Úc coi là ông chủ của Crown) đã kiên quyết khẳng định rằng ông chỉ đóng một vai trò "thụ động" trong hoạt động của công ty. Ông nói mình đã không làm giám đốc điều hành tại công ty kể từ năm 2012, đã từ chức chủ tịch của Crown Resorts vào tháng 8.2015 và thôi làm thành viên hội đồng quản trị vào tháng 12 năm đó.
Một nhân viên từng làm ở sòng bạc Crown Resorts đã tiết lộ chính xác những gì đang diễn ra bên trong Crown Resort trước khi xảy ra vụ đột kích năm 2016 và bắt giam 19 nhân viên của họ vì vi phạm luật cờ bạc khắt khe ở Trung Quốc.
Jenny Jiang công khai xuất hiện để kể lại mọi chuyện. Jiang cho biết cô là quản trị viên đáng tin cậy cho chi nhánh của Crown ở Thượng Hải cho đến khi bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào tháng 10.2016. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, Jiang nói với phóng viên điều tra Nick McKenzie rằng cô là người chuyên lo liệu chuyên cơ và thị thực cho các khách hàng VIP và VVIP của Crown.
Jiang tiết lộ Crown làm thế nào để mồi chài các con bạc thượng lưu Trung Quốc, dụ hàng trăm người đánh bạc VIP đến Melbourne và Perth, đó là nhờ được nhân viên lãnh sự quán Úc tại Trung Quốc tạo điều kiện. “Theo đó, Crown sẽ viết một email để lãnh sự quán và hy vọng họ có thể cấp visa nhanh hơn”, Jiang nói. Thường thì có email là mọi chuyện được giải quyết rất gọn.