Dư luận Ukraine thay đổi quan điểm trong đàm phán với Nga?
Theo một cuộc thăm dò gần đây, một tỷ lệ lớn người Ukraine tin rằng nên có một thỏa thuận hòa bình, nhưng không phải theo các điều khoản của Nga. Các chuyên gia cho biết xã hội Ukraine đang bị chia rẽ và bối rối trong bối cảnh một cuộc chiến kéo dài hơn dự kiến.
Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 19/7, hiện ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về khả năng đàm phán hòa bình với Nga ở Ukraine. Cho đến nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky luôn từ chối mọi thỏa thuận tiềm năng với lãnh đạo Nga hiện tại và đã ban hành sắc lệnh bác bỏ các cuộc đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, tình hình có thể đang thay đổi khi Tổng thống Zelensky đã đề xuất rằng các đại diện của Nga nên tham dự "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" thứ hai mà Ukraine dự kiến tổ chức vào tháng năm nay
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Razumkov thực hiện cho tờ báo trực tuyến Ukraine Dzerkalo Tyzhnia cho thấy 44% người Ukraine ở các khu vực phía sau tiền tuyến tin rằng đã đến lúc bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức giữa Kiev và Moskva; 35% không thấy có lý do để bắt đầu đàm phán hòa bình, và 21% chưa quyết định.
Khảo sát cũng cho thấy người dân Ukraine hoàn toàn phản đối việc chấp nhận các điều kiện mà phía Nga đưa ra để chấm dứt xung đột. Gần 83% số người được khảo sát phản đối việc rút quân đội Ukraine khỏi các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia chưa do Nga kiểm soát, và khoảng 84% phản đối việc nhượng lại các vùng lãnh thổ này cho Nga. Hơn nữa, 77% phản đối việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Về vấn đề trung lập, không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, thái độ của người dân ở các khu vực do Kiev kiểm soát vẫn chưa rõ ràng: 58% số người được hỏi phản đối tình trạng này, trong khi 22% ủng hộ.
Khi được hỏi về điều kiện tối thiểu để ký kết hiệp ước hòa bình với Nga, hơn 51% cho biết Ukraine cần phải được giải phóng các khu vực đang do Nga kiểm soát và trở về phạm vi biên giới năm 1991. Mặc dù phần lớn người Ukraine mong muốn khôi phục những biên giới này, gần một nửa số người được hỏi (46%) cho rằng việc từ chối nghĩa vụ quân sự không phải là vấn đề đáng xấu hổ. Chỉ có 29% giữ quan điểm ngược lại, trong khi 25% vẫn chưa quyết định.
Nhà khoa học chính trị Oleh Saakyan cho biết sự thất vọng của người dân thể hiện qua những phản ứng mâu thuẫn này. Ông nhấn mạnh rằng cả chính quyền và giới tinh hoa chưa đưa ra viễn cảnh rõ ràng về cuộc sống ở Ukraine trong điều kiện xung đột kéo dài.
Về phần mình, Ihor Reiterovich từ Đại học Quốc gia Taras Shevchenko tại Kiev chỉ ra rằng Tổng thống Ukraine đã ngừng đề cập đến biên giới năm 1991 như một điều kiện tiên quyết cho hòa bình trong vài tháng qua, nhưng cũng không đưa ra biên giới mới, điều này gây bối rối cho xã hội Ukraine. Ông Reiterovich khuyến nghị chính phủ nên mở đối thoại cởi mở với xã hội để xây dựng một tầm nhìn rõ ràng về tương lai và nhận được sự ủng hộ của người dân.
Các chuyên gia cũng đồng ý rằng những cuộc khảo sát như vậy là cần thiết để chính phủ Ukraine đưa ra các lựa chọn rõ ràng cho tương lai và chuẩn bị cho "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" lần thứ hai theo tầm nhìn của mình. Họ cũng nhấn mạnh rằng việc theo dõi tâm trạng công chúng và nhận diện động lực là rất quan trọng để chuẩn bị cho các thách thức trong tương lai.