Dư luận ủng hộ Hà Nội triển khai phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng
Trong tháng 10, có 30/190 điểm văn hóa, di tích thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ký cam kết, triển khai mô hình này.
Trong tháng 10, Hà Nội sẽ chính thức thí điểm cấm hút thuốc lá tại 30 điểm du lịch nổi tiếng như: Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu, Chùa Quán Sứ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thư Viện Quốc Gia, Nhà hát lớn...
Nếu người dân, du khách vi phạm có thể bị phạt 300.000. Đó là ý kiến thống nhất được đưa ra tại Hội nghị triển khai mô hình du lịch không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Liệu mọi người có chấp hành nghiêm chỉnh và chương trình thí điểm có thành công hay không?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi. Ngoài ra, thuốc lá còn là thủ phạm gây ra ung thư miệng, tổn thương răng lợi, gây rụng tóc, đục thủy tinh thể, dễ gãy xương… Mặc dù hút thuốc lá gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng nhiều người vẫn coi thường và hút thuốc như một thói quen hằng ngày.
Ông Bùi Cường một cư dân Hà Nội chia sẻ: “Với quy định cấm hút thuốc lá tại 30 điểm công cộng, tôi đồng tình vì hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của không chỉ cho người hút, mà còn với cả những người xung quanh khi hít phải khói thuốc. Tuy nhiên, theo như tôi thấy, để thi hành triệt để lệnh cấm này rất khó, đòi hỏi khá nhiều thời gian. Một phần là do ý thức người dân chưa được cao. Như chính bản thân tôi, để bỏ thuốc hơi khó, những chỗ nào cấm thì tôi không hút, còn chỗ nào không cấm thì tôi vẫn hút”.
Để giảm khói thuốc lá, Hà Nội triển khai mô hình du lịch không khói thuốc. Trong tháng 10, có 30/190 điểm văn hóa, di tích thuộc quận Hoàn Kiếm ký cam kết, triển khai mô hình này. Ngay trong tháng 10, các điểm du lịch này gắn biển “Không hút thuốc lá”, “cấm hút thuốc lá”.
Theo Nghị định 176/2013 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, việc hút thuốc lá tại những nơi ghi biển cấm sẽ bị phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng; những nhà hàng không có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng; bán thuốc lá không có giấy phép sẽ bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng và phạt 20 - 30 triệu đồng nếu tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Quy định của nhà nước được mọi người đồng tình, bởi khói thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng.
Nghị định 176 trong đó quy định phạt tiền với hành vi hút thuốc lá tại nơi có biển cấm được ban hành từ 6 năm nay, nhưng quá trình thực thi còn chưa nghiêm. Dư luận đặt câu hỏi: việc đưa vào triển khai 30 điểm du lịch không khói thuốc liệu lệnh có khả thi và có giảm thiểu được khói thuốc lá hay không? Đặc biệt, đây là mức phạt trực tiếp, đánh thẳng vào “kinh tế” liệu có nâng cao được ý thức chấp hành của mọi người tiến tới hút thuốc có ý thức và đúng luật hay không. Hay mức phạt này liệu có quá nhẹ?
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên ở Văn phòng HealthyBrigde - Một tổ chức về sức khỏe của Canada tại Việt Nam chia sẻ: “Với chế tài xử phạt mức cao nhất là 300.000 đồng, như vậy có thể nói là chưa cao so với mức thu nhập của người dân Việt Nam nói chung. Chính vì thế, chúng tôi vẫn khuyến khích cần tăng cường các giải pháp về truyền thông cũng như những giải pháp ưu tiên cảnh cáo để cho người dân biết được về những quy định và tăng cường ý thức chấp hành của họ. Và bước tiếp theo, xử lý vi phạm hành chính là cái giúp cho việc thực thi và ý thức tuân thủ của người dân mạnh mẽ hơn”.
Tại một só nước như Nhật Bản, Singapore, Australia… từ lâu đã thực thi lệnh cấm hút thuốc lá tại các điểm công cộng trên toàn quốc. Việt Nam cũng đã từng đưa ra nhiều biện pháp, chế tài để giảm khói thuốc lá nhưng tới giờ vẫn chưa có ai bị phạt. Quy định cấm hút thuốc lá tại 30 điểm du lịch công cộng được ban hành, thêm một lần nữa cảnh báo người dân nâng cao ý thức, yêu cầu mọi người nghiêm chỉnh chấp hành và trả lại bầu không khí trong lành, không khói thuốc cho cộng đồng./.