Dự luật buộc Big Tech trả tiền cho tin tức được Hạ viện California thông qua
Một dự luật buộc các công ty công nghệ lớn (Big Tech) phải trả tiền cho các tổ chức báo chí và truyền thông khi đăng và sử dụng nội dung tin tức đã được Hạ viện California thông qua vào thứ Năm vừa rồi (1/6), trước khi được chuyển tới Thượng viện tiểu bang này để xem xét.
Dự luật được thông qua sẽ yêu cầu các công ty như Google và Meta chia sẻ doanh thu quảng cáo với các tổ chức báo chí và truyền thông ở California cho các tin tức và nội dung được đăng tải trên những nền tảng này. Số tiền sẽ được xác định thông qua một quy trình trọng tài.
Một chi tiết đáng lưu ý là dự luật sẽ yêu cầu ít nhất 70% doanh thu mà các tổ chức báo chí và truyền thông được các Big Tech chia sẻ phải được dành cho việc trả lương cho các nhà báo, chỉ 30% còn lại được sử dụng cho việc khác.
Nói chung, các khoản thanh toán như vậy sẽ giúp các tổ chức truyền thông địa phương trụ lại sau khi nhiều tổ chức chứng kiến doanh thu quảng cáo của họ giảm mạnh trong kỷ nguyên kỹ thuật số và mạng xã hội gần đây - theo tác giả của dự luật, Dân biểu Dân chủ Buffy Wicks, cho biết. Bà nói thêm rằng California đã mất hơn 100 tổ chức tin tức trong thập kỷ qua.
“Đạo luật Bảo tồn Báo chí California sẽ không cứu được nghề báo, nhưng nó sẽ hỗ trợ cho các hãng tin và nhà báo vào thời điểm mà khó khăn không thể cao hơn”, Wicks cho biết hôm thứ Năm.
Dự luật được hỗ trợ bởi các hiệp hội báo chí lớn như News Media Alliance và Media Guild of the West, đại diện cho The Los Angeles Times và các tòa soạn khác. Liên đoàn Lao động California đã tham gia ủng hộ dự luật, nói rằng dự luật sẽ bảo vệ các công việc báo chí bằng cách “tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà xuất bản tin tức và các nền tảng mạng xã hội”.
Không lâu trước khi dự luật được thông qua, Meta - công ty sở hữu Facebook và Instagram - đã đe dọa sẽ rút tất cả nội dung tin tức khỏi nền tảng của mình nếu nó được thông qua. Gã khổng lồ này đã đưa ra những lời đe dọa tương tự đối với Quốc hội Mỹ vào năm 2022 và Chính phủ Canada vào năm nay khi các nhà lập pháp ở đó cố gắng thực hiện các biện pháp tương tự để thúc đẩy báo chí địa phương.
Meta biện hộ rằng: “Dự luật không công nhận rằng các nhà xuất bản và đài truyền hình tự đưa nội dung của họ lên nền tảng của chúng tôi và sự hợp tác đáng kể trong ngành tin tức địa phương của California đã diễn ra hơn 15 năm trước... Thật đáng thất vọng khi các nhà lập pháp California dường như đang ưu tiên lợi ích tốt nhất của các công ty truyền thông quốc gia và quốc tế hơn các cử tri của chính họ”.
Tuy nhiên, Dân biểu Wicks gọi tuyên bố của Meta là "một mối đe dọa vô nghĩa", lưu ý rằng "đây là những công ty đã kiếm được hàng tỷ tỷ tỷ đô la trong khi các tòa soạn của chúng tôi đang đóng cửa trên khắp tiểu bang California".
Hiện, Google chưa đưa ra phản hồi sau khi dự luật thông qua, song cũng từng đe dọa rút nội dung khỏi nền tảng tìm kiếm của mình ở California, giống như cách họ từng thử nghiệm chặn liên kết báo chí ở Canada trong các kết quả tìm kiếm đối với người dùng ở nước này.
Hoàng Hải (theo Meta, AP)