Dự luật cấm dạy tiếng Anh cho trẻ dưới 3 tuổi gây tranh cãi
Dự luật tại Hàn Quốc gây tranh luận khi đề xuất cấm hoàn toàn các khóa tiếng Anh cho trẻ dưới 3 tuổi và giới hạn thời lượng học với trẻ nhỏ.

Dự luật mới tại Hàn Quốc đề xuất cấm trẻ em dưới 3 tuổi học tiếng Anh. (Ảnh minh họa)
Mặt trái của “cơn sốt tiếng Anh”
Một Dự luật gây tranh cãi đang được trình lên Quốc hội Hàn Quốc nhằm cấm các chương trình tiếng Anh chuyên sâu dành cho trẻ mới biết đi và giới hạn thời lượng học cho trẻ nhỏ.
Theo đó, Dự luật quy định cấm hoàn toàn các khóa học tiếng Anh tư nhân cho trẻ dưới 36 tháng tuổi và giới hạn 40 phút học/ngày cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Các cơ sở vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh.
Dự luật này xuất phát từ lo ngại ngày càng tăng về tình trạng nhồi nhét trẻ em trong các trường mầm non tiếng Anh, vốn đang trở thành “mốt” của tầng lớp khá giả.
Nhiều trường mẫu giáo tiếng Anh tại khu Gangnam (Seoul) thậm chí tổ chức thi tuyển cho trẻ từ 3 tuổi, yêu cầu các bé phải đánh vần từ vựng hoặc mô tả hình ảnh bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, hiện tượng giáo dục tiếng Anh sớm không chỉ giới hạn ở thủ đô Seoul. Một cuộc khảo sát chung công bố gần đây cho thấy xu hướng này đang lan rộng ra nhiều địa phương khác.
Năm 2024, 5 thành phố tại tỉnh Gyeonggi đã mở tới 376 lớp tiếng Anh cho trẻ mới biết đi, tăng hơn 100 lớp so với năm trước. Đáng chú ý, các lớp này kéo dài trung bình 5h8’ mỗi ngày, dài hơn gần 2h so với chương trình chính khóa lớp 1 và 2.
Luật cấm hay tự do giáo dục?
Trong một khảo sát riêng với hơn 1.700 giáo viên mầm non trên toàn quốc, gần 88% cho rằng chương trình tiếng Anh sớm là “không cần thiết”, 63,5% trong số đó chỉ ra rằng phụ huynh đang đặt áp lực học tập vượt quá khả năng phát triển của trẻ nhỏ.
Khi được hỏi giải pháp, hơn 65% đề xuất mở rộng giáo dục công lập; 62,7% kêu gọi cải cách hệ thống giáo dục định hướng thi cử; và hơn một nửa đề xuất tăng cường hướng dẫn phụ huynh cũng như quản lý các học viện dành cho trẻ nhỏ.
Đáng chú ý, gần 50% cho rằng độ tuổi phù hợp để bắt đầu giáo dục tư nhân là sau khi vào tiểu học, tiếp theo là 5 tuổi (30,5 %) và 4 tuổi (11,9 %).
Tuy vậy, không phải ai cũng ủng hộ luật cấm. Một số phụ huynh cho rằng việc can thiệp bằng luật pháp là “quá mức”.
Bu Dae-hye, một nhân viên văn phòng 35 tuổi có con trai 3 tuổi đang học tại trường mẫu giáo tiếng Anh ở Bundang, chia sẻ: “Trẻ có năng khiếu ngôn ngữ cần môi trường phù hợp để phát triển. Việc áp luật một cách cứng nhắc có thể bỏ qua sự khác biệt cá nhân”.
Theo anh, cha mẹ là người hiểu con cái mình nhất và có quyền đưa ra lựa chọn giáo dục phù hợp. Việc can thiệp bằng luật pháp vào điều này đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của một xã hội dân chủ.