Dự luật giáo dục mới của Nam Phi gây tranh cãi

Dự luật giáo dục mới trao cho Nam Phi quyền kiểm soát đối với các trường ngôn ngữ của cộng đồng thiểu số da trắng, đặt ra mối nguy với chính phủ đoàn kết quốc gia.

Các trường học tại Nam Phi đang đứng trước một dự luật mang tính chất bước ngoặt. (Nguồn: Bridge International Academies)

Các trường học tại Nam Phi đang đứng trước một dự luật mang tính chất bước ngoặt. (Nguồn: Bridge International Academies)

Dự luật này cho phép chính phủ quyết định những chính sách ngôn ngữ và tuyển sinh ở các trường học. Hiện nay, bộ phận quản lý trường học, chủ yếu là các bậc phụ huynh và lãnh đạo cộng đồng, là những người đưa ra các quyết định này.

Theo các chuyên gia, dự luật này là mối đe dọa đối với các trường học chỉ giảng dạy bằng một ngôn ngữ duy nhất, đặc biệt là các trường sử dụng tiếng Afrikaans - vốn là ngôn ngữ của cộng đồng thiểu số Afrikaner da trắng.

Nam Phi hiện có 12 ngôn ngữ chính thức. Trong khi hầu hết các trường học sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy thì một số trường lại sử dụng tiếng Afrikaans, ngôn ngữ được phát triển vào thế kỷ 17 bởi những người Hà Lan và châu Âu nhập cư.

Trong số 23.719 trường công lập, có ít nhất 2.484 trường sử dụng tiếng Afrikaans.

Ông John Steenhuisen, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ, dự kiến gặp Tổng thống Cyril Ramaphosa trước khi dự luật này được thông qua vào ngày 13/9.

Bên cạnh đó, tổ chức phi chính phủ Afriforum tuyên bố sẽ có hành động pháp lý nhằm phản đối dự luật ngay khi ông Ramaphosa ký thông qua.

Tháng 6/2024, đảng Liên minh Dân chủ tham gia chính phủ đoàn kết do đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) lãnh đạo, sau khi ANC mất quyền kiểm soát đa số ghế trong Quốc hội.

Đảng ANC tin tưởng dự luật này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng học sinh da màu bị các trường chỉ giảng dạy bằng tiếng Afrikaans từ chối.

Tuy nhiên, ông Steenhuisen cho biết, trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ đoàn kết quốc gia, đảng Liên minh Dân chủ đã chỉ rõ dự luật giáo dục này đe dọa quyền học bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh.

“Nếu Tổng thống tiếp tục phớt lờ những tiếng nói phản đối này, cũng tức là đang đe dọa tương lai và phá hủy sự tin cậy của chính phủ đoàn kết quốc gia”, ông Steenhuisen nhấn mạnh.

Dự kiến, dự luật có thể được ban hành hoặc gửi lại Quốc hội để sửa đổi nếu Tổng thống Ramaphosa cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiến pháp.

(theo AP)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-luat-giao-duc-moi-cu-a-nam-phi-gay-tranh-cai-286026.html