Dự luật mới có thể khiến nhiều công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết ở Mỹ

Các công ty Trung Quốc có thể phải cân nhắc lại việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ sau khi các nhà làm luật ở Washington giới thiệu một dự luật buộc các công ty nước ngoài phải rời khỏi các sàn chứng khoán Mỹ nếu không cho phép các kiểm toán viên của nước này tiếp cận các báo cáo kiểm toán.

 Logo của Alibaba bên ngoài trụ sở của tập đoàn này ở TP. Hàng Châu, Trung Quốc. Alibaba đang lên kế hoạch IPO lần hai ở Hồng Kông để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán thứ hai ngoài sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AP

Logo của Alibaba bên ngoài trụ sở của tập đoàn này ở TP. Hàng Châu, Trung Quốc. Alibaba đang lên kế hoạch IPO lần hai ở Hồng Kông để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán thứ hai ngoài sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AP

Cách đây 5 năm, tập đoàn Alibaba tiến hành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất ở thị trường chứng khoán New York, huy động số tiền kỷ lục 25 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng mới đây, Alibaba cho biết đang lên kế hoạch tiến hành đợt IPO thứ hai để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX) vào quý 3-2019.

Các nguồn tin cho biết ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) và Tổng công ty Vốn quốc tế Trung Quốc(CCIC), một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc, sẽ là các bên bảo lãnh cho vụ IPO này và dự kiến giúp Alibaba huy động thêm 20 tỉ đô la.

Giới phân tích cho rằng động thái trên của Alibaba có thể châm ngòi cho làn sóng các công ty Trung Quốc kiểm tra các phương án niêm yết ở sàn giao dịch chứng khoán thứ hai ngoài Mỹ giữa lúc cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang.

Hồi đầu tháng 6, một nhóm nghị sĩ của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, đã giới thiệu ra Quốc hội Mỹ một dự luật cấm các công ty nước ngoài giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán Mỹ nếu như họ không cho phép Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB), có trụ sở ở Washington, tiếp cận và thanh tra các báo cáo kiểm toán của họ. PCAOB thực hiện các cuộc thanh tra với mục đích bảo vệ các nhà đầu tư.

Dự luật cũng yêu cầu các công ty nước ngoài niêm yết ở Mỹ phải công bố tỷ lệ cổ phần mà nhà nước của họ đang nắm giữ. Các công ty nước ngoài vi phạm các quy định kiểm toán mà dự luật đặt ra trong ba năm liên tiếp bắt đầu từ năm 2025 sẽ bị hủy niêm yết tại Mỹ.

Bấy lâu nay, viện lý do an ninh quốc gia, chính phủ Trung Quốc từ chối cho phép PCAOB tiếp cận để thanh tra các báo cáo kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ được thực hiện bởi các công ty kiểm toán hoạt động ở Trung Quốc. Trung Quốc và Bỉ là hai nước duy nhất từ chối sự tiếp cận này. Theo Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), có 213 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ có các báo cáo kiểm toán được thực hiện bởi các công ty kiểm toán ở Trung Quốc đại lục hoặc Hồng Kông.

Việc Trung Quốc không cho phép sự tiếp cận như vậy có thể liên quan đến các công ty nhà nước Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ. Bắc Kinh nắm giữ khoảng 30% cổ phần trở lên ở ít nhất 11 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên ba sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc xem các báo cáo kiểm toán của các công ty này là thông tin mật.

Do vậy, dự luật trên, nếu được thông qua, có thể khiến nhiều công ty Trung Quốc buộc phải hủy niêm yếu cổ phiếu ở các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Các nghị sĩ bảo trợ cho dự luật này gồm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đến từ bang Florida, một nhân vật thuộc phe "diều hâu" trong các chính sách đối với Trung Quốc và thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ đến từ bang New York.

Ông Rubio nói: “Bắc Kinh không nên bảo vệ các công ty niêm yết ở Mỹ để né tránh tuân thủ các luật và quy định của Mỹ về minh bạch và giải trình trách nhiệm tài chính. Nếu các công ty ở Trung Quốc muốn niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ hoặc muốn tiếp cận các thị trường vốn ở Mỹ, chúng ta phải buộc họ tuân thủ luật pháp Mỹ”.

 Hồi tháng trước, SMIC, công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, thông báo sẽ nộp đơn xin hủy niêm yết cổ phiếu tại Sàn giao dịch chứng khoán New York trong tháng 6-2019. Ảnh: Bizkhmer

Hồi tháng trước, SMIC, công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, thông báo sẽ nộp đơn xin hủy niêm yết cổ phiếu tại Sàn giao dịch chứng khoán New York trong tháng 6-2019. Ảnh: Bizkhmer

Trong tuyên bố đưa ra hôm 5-6, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Conaway, người đồng bảo trợ dự luật này, nhấn mạnh: “Bất kỳ công ty Trung Quốc nào muốn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ hoặc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ, phải bị bắt buộc tuân thủ luật pháp Mỹ về sự minh bạch tài chính”.

Dự luật trên sẽ tác động đến hàng loạt công ty Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ bao gồm một số công ty công nghệ thuộc hàng lớn thế giới bao gồm Alibaba, hãng tìm kiếm Baidu và công ty thương mại điện tử JD.com. Các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang có tổng giá trị vốn hóa thị trường 1.200 tỉ đô la tính đến ngày 25-2-2019, theo Ủy ban Thẩm định An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung.

Các nhà phân tích ở ngân hàng Bank of America cho rằng có khả năng một số công ty Trung Quốc sẽ hủy niêm yết ở Mỹ ngay cả trước khi dự luật được thông qua. Trong một báo cáo gửi cho các khách hàng hôm 4-6, các nhà phân tích này viết: “Trong bức thư hồi tháng 4, một nhóm thượng nghị sĩ đã hối thúc chính quyền Tổng thống Donald Trump gia tăng các yêu cầu công bố thông tin đối với các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ. Điều này có thể là một yếu tố đằng sau quyết định gần đây của Tổng công ty quốc tế Sản xuất bán dẫn (SMIC) hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)”.

Hồi tháng trước, SMIC thông báo sẽ nộp đơn xin hủy niêm yết cổ phiếu tại NYSE trong tháng 6, chấm dứt 15 năm giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. SMIC cho biết lý do hủy niêm yết là vì khối lượng giao dịch thấp và gánh nặng chi phí hành chính liên quan đến việc niêm yết và tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin, chứ không liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Giáo sư Paul Gillis, đang giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh và là một chuyên gia về kiểm toán ở Trung Quốc, dự báo dự luật trên có cơ hội thông qua rất lớn và điều này sẽ khởi động thời gian đếm ngược ba năm để các công ty Trung Quốc đàm phán về việc tuân thủ các quy định của luật mới hoặc tìm kiếm phương án niêm yết ở quê nhà.

“Tôi dự báo hầu hết họ sẽ chuyển về niêm yết ở Hồng Kông”, ông nói.

Dự luật trên là dấu hiệu mới nhất về sự sẵn sàng của Washington nhằm gây sức ép đối với một số công ty lớn nhất của Trung Quốc cũng như để tách rời hai nền kinh tế.

Alibaba quyết định niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông chủ yếu là do sức ép về nhu cầu huy động vốn khi tập đoàn này đa dạng hóa đầu tư ngoài lĩnh vực thương mại điện tử cốt lõi và do tăng trưởng kinh tế yếu ớt ở Trung Quốc gây áp lực cho triển vọng lợi nhuận và dòng tiền của Alibaba.

Martin Bao, nhà phân tích ở ngân hàng ICBC International ở Hồng Kông cho biết Alibaba muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục. Song các công ty công nghệ khác của Trung Quốc hiểu rõ rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo của Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen với lý do áp đặt các rủi ro an ninh quốc gia đối Mỹ, một động thái mà trên thực tế là một lệnh cấm vận công nghệ và linh kiện Mỹ đối với hãng này. Washington cũng đang cân nhắc đưa Công ty công nghệ Hangzhou Hikvision Digital Technology thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen.

Drew Bernstein, đối tác của công ty kiểm toán MarcumBP ở New York, cho biết cổ phiếu của nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ bị định giá thấp so với cổ phiếu của các công ty Mỹ trong cùng lĩnh vực vì giới đầu tư không tin tưởng các thông tin tài chính của họ.

Theo Bloomberg, Nikkei Asian Review

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290314/du-luat-moi-co-the-khien-nhieu-cong-ty-trung-quoc-bi-huy-niem-yet-o-my.html