Dù mức độ cạnh tranh cao nhưng ngành Công nghệ thông tin có cơ hội việc làm lớn
Là ngành học có cơ hội rộng mở nhưng cạnh tranh cao, Công nghệ thông tin đòi hỏi ở người học không ngừng cập nhật kiến thức mới để không bị tụt lại phía sau.
Chúng ta đang sống trong thời đại kỷ nguyên số, những bước đột phá của công nghệ tác động đến nhiều ngành nghề trong mọi lĩnh vực. Công nghệ thông tin không còn là một thuật ngữ xa lạ khi mà mọi thứ trong cuộc sống giờ đây đều có sự góp mặt, tham gia của lĩnh vực này.
Công nghệ thông tin là ngành học sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Mục đích của ngành học này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục ở nước ta có bề dày lịch sử với hơn 20 năm đào tạo ngành học này, mang trong mình nhiều thế mạnh cho người học đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trong thị trường xã hội.
“Cánh cửa” việc làm rộng mở, mức thu nhập hấp dẫn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Ngày nay, lĩnh vực công nghệ thông tin đang trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Công nghệ thông tin có mặt ở khắp mọi nơi, từ y tế, giáo dục, kinh doanh, giải trí cho đến các dịch vụ công trong xã hội.
Có thể nói, công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách sống, cách làm việc của mỗi người. Đặc biệt, trong khoảng hai năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo như Chat GPT, đã đem đến cho cuộc sống nhiều công cụ hỗ trợ hiệu quả và thú vị. Có những điều trước đây chúng ta chưa thể nghĩ đến thì nay đã trở thành hiện thực. Chẳng hạn như các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người tổng hợp tin tức, viết báo cáo, giải toán, viết code chương trình,... Vì vậy, công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người.
Người học ngành Công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp ra trường có thể có ứng tuyển vào nhiều vị trí việc làm đa dạng như: lập trình viên, chuyên gia phân tích thiết kế tại các công ty phần mềm; chuyên gia hệ thống tại các cơ quan, đơn vị; chuyên gia an ninh mạng; chuyên gia phân tích và xử lý dữ liệu;...
Theo thống kê hàng năm, số lượng nhân lực ngành Công nghệ thông tin còn thiếu hụt khoảng 150.000 - 200.000 người. Nhìn chung, mức thu nhập trung bình của ngành Công nghệ thông tin khá cao, trong đó khoảng 8-10 triệu đồng/tháng đối với sinh viên mới ra trường; 20-25 triệu đồng/tháng đối với những người có 3-5 năm kinh nghiệm; đặc biệt ở một số vị trí như giám đốc kỹ thuật hoặc giám đốc công nghệ tại các công ty lớn thì mức lương rất cao.
Ngoài ra, hiện nay, theo thống kê, có khoảng hơn 100 trường đào tạo cử nhân/kỹ sư ngành Công nghệ thông tin. Hằng năm có khoảng 50.000-70.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, với mức nguồn “cung” này chưa thể đáp ứng được đủ cho nhu cầu nhân lực của xã hội, chưa tính đến số lượng sinh viên ra trường cần được đào tạo thêm để đáp ứng công việc.
Những năm gần đây, hiện tượng “phát triển nóng” trong việc đào tạo nhân lực ngành Công nghệ thông tin có thể đang xảy ra ở một số khoa, trường đào tạo người học với số lượng lớn ở nước ta. Điều này có thể dẫn đến sự dư thừa cục bộ, hoặc chất lượng đào tạo không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường lao động. Vì vậy, khi lựa chọn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin, các em học sinh nên tìm hiểu kỹ để lựa chọn các cơ sở đào tạo uy tín và chất lượng.
Cùng bàn luận về vấn đề này, anh Phạm Quang Huy - cựu sinh viên K68B, ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện đang công tác ở vị trí quản lý dự án (Project Manager) tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Woh Hup Vietnam (công ty có 100% vốn đầu tư từ Singapore và là đơn vị có tuổi đời hơn 90 năm lịch sử, được thành lập từ năm 1927).
Với một chi nhánh mới được thành lập ở Việt Nam (công ty mẹ ở Singapore và rất nhiều chi nhánh con khác đặt tại các quốc gia như Indonesia,…) thì chỉ sau 2 năm có mặt tại nước ta, con số nhân sự của công ty hiện tại đã lên đến hơn 100 người và đang liên tục tuyển dụng, tiếp tục đào tạo, thúc đẩy mở rộng cho các dự án mới, và đang có nhu cầu bổ sung thêm chi nhánh thứ hai tại Việt Nam.
Điều này chứng tỏ rằng nhu cầu việc làm về ngành Công nghệ thông tin đang rất lớn, nhưng cũng đòi hỏi ở các bạn sinh viên phải không ngừng nỗ lực học hỏi khi ngồi trên ghế nhà trường để có thể tạo được ấn tượng trong mắt các doanh nghiệp.
“Bản thân tôi nhìn nhận trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, thị trường có nhu cầu tuyển dụng tăng vọt, các công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều cần các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa hoạt động và tăng cường sức cạnh tranh. Các bạn sinh viên năm 2, năm 3 hiện đã có đủ khả năng để đi thực tập tại nhiều doanh nghiệp và nhận được mức thu nhập vô cùng tốt.
Cụ thể, mức lương của một thực tập sinh ngành Công nghệ thông tin theo khảo sát được từ bạn bè và các bạn sinh viên khóa dưới sẽ dao động từ 5-8 triệu đồng/tháng. Với những bạn có từ 3-5 năm kinh nghiệm thì mức lương có thể dao động khoảng từ 25–30 triệu đồng, đặc biệt là ở những vị trí quản lý hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực đặc thù”, anh Phạm Quang Huy chia sẻ.
Về những điểm thuận lợi trong quá trình làm việc, theo anh Huy, ngành Công nghệ thông tin đang không ngừng phát triển và chắc chắn trở thành xu hướng của thị trường xã hội ở hiện tại và trong tương lai 5-10 năm tới. Bên cạnh đó, ngành học cũng mở ra những cơ hội việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, y tế, xây dựng,… bởi các ngành nghề này đều cần phát triển về phần mềm, an ninh mạng đến trí tuệ nhân tạo. Do đó, cơ hội việc làm luôn luôn rộng mở.
Mặt khác, tuy không thể hoàn toàn nói rằng Công nghệ thông tin là một ngành “hái ra tiền” nhưng mức lương thường cao hơn nhiều so với mặt bằng chung nhiều ngành nghề khác hiện nay. Đây là động lực lớn để các bạn trẻ không ngừng cố gắng và học hỏi.
Về một số thách thức, anh Huy cho hay, ngành học cũng có tính cạnh tranh cao. Tuy nhu cầu việc làm là vô cùng lớn đối với ngành Công nghệ thông tin, nhưng luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi bạn sinh viên cũng như những ai đang đi làm phải không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới để không bị tụt lại phía sau.
Đồng thời, ngành học cũng yêu cầu, đòi hỏi đa dạng kiến thức nếu chúng ta muốn có mức thu nhập tốt. Bởi lẽ, không chỉ cần kiến thức chuyên môn, mà chúng ta còn cần những kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý dự án. Điều này đòi hỏi bản thân phải phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng.
Chương trình đào tạo giúp bắt nhịp nhanh với sự thay đổi của thực tiễn
Chia sẻ thêm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng cho biết bên cạnh việc đào tạo giáo viên Tin học với mã ngành Sư phạm Tin học; Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu đào tạo cử nhân ngành Công nghệ thông tin từ năm 2003.
Với bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm đào tạo, nhiều thế hệ sinh viên của Khoa đã trưởng thành và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam. Riêng đối với hệ đào tạo cử nhân, nhà trường định hướng đào tạo gắn liền với thực tiễn. Ngoài những giờ lên lớp học lý thuyết, sinh viên còn được thực hành trong các phòng lab và phòng máy tính hiện đại.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức nhiều chương trình hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, giúp sinh viên tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường lao động và xây dựng các định hướng học tập cho bản thân. Bên cạnh đó, từ năm thứ ba, người học cũng được cử đến thực tập và trải nghiệm thực tế tại các công ty công nghệ ở khu vực Hà Nội.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, trong đó hơn 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Nhiều thầy cô vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa là chuyên gia tại các công ty, vì thế, các kiến thức thực tiễn luôn được lồng ghép trong các bài học.
Nhà trường cũng triển khai mô hình dạy học kết hợp (blended learning), trong đó sử dụng hệ thống quản lý học tập (LMS) để làm hệ sinh thái giáo dục cho sinh viên. Điều này giúp cho người học có thể tiếp thu mọi lúc mọi nơi, đồng thời, các giờ lên giảng đường chủ yếu được sử dụng để trao đổi và thảo luận.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xây dựng được một hệ sinh thái với đầy đủ các bậc học từ cử nhân cho đến tiến sĩ. Các chương trình đào tạo được triển khai công phu và cứ hai năm lại chỉnh sửa, cập nhật, đổi mới, tiệm cận với chất lượng đầu ra đạt chuẩn. Vì vậy, nội dung kiến thức giảng dạy cho sinh viên được thay đổi phù hợp với thực tiễn, giúp người học nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu của công việc sau khi ra trường.
Anh Lưu Quang Thuần - người sáng lập tổ chức, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bavaan nhằm tư vấn, triển khai các giải pháp e-commerce, phát triển phần mềm theo nhu cầu, đối tác công nghệ cho các startup - cũng là cựu sinh viên K56B, ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ chuyên môn xoay quanh ngành học:
“Hiện nay, nhu cầu về nhân lực ngành IT đang cần những bạn có tư duy logic tốt, nhanh nhẹn trong việc bắt kịp xu hướng công nghệ mới. Ngoài ra, kỹ năng cơ bản trong lập trình luôn được đánh giá cao như: tư duy về cơ sở dữ liệu, tư duy về thuật toán, tư duy giải quyết vấn đề. Ngoài ra, người học nên nắm vững ít nhất 1 ngôn ngữ lập trình (.Net core, C#, PHP, Nodejs, Go,...) và thực hành thành thạo trên ngôn ngữ đó.
Bản thân tôi đánh giá chương trình đào tạo của nhà trường giúp mình bắt nhịp nhanh với việc làm lập trình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới lúc tốt nghiệp ra trường. Trong thời gian đào tạo, tôi được học tập, tìm hiểu, nghiên cứu nhiều về toán học, vật lý, sau đó đến những kiến thức về web như html, css, js, php, C# và hệ quản trị cơ sở dữ liệu. Những kiến thức này luôn đi theo và giúp tôi đáp ứng được những yêu cầu của ngành Công nghệ thông tin từ lúc ra trường tới bây giờ”.
Còn theo anh Phạm Quang Huy, với tư cách là một cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đã có hơn 4 năm tham gia vào thị trường lao động, anh đánh giá chương trình đào tạo thực sự đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động hiện nay. Một số điểm nổi bật của chương trình học của nhà trường có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, nội dung chương trình đa dạng và được cập nhật liên tục. Chỉ sau gần 2 năm ra trường, khi nhìn lại vào chương trình đào tạo của các bạn sinh viên khóa dưới chia sẻ, cá nhân anh nhận thấy chương trình học đã được làm mới và bắt kịp xu hướng rất tốt, nhưng không vì thế mà bỏ qua những môn học cốt lõi căn bản.
Thứ hai, theo khách quan, cơ sở vật chất được Khoa trang bị đầy đủ, hiện đại và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của sinh viên như phòng lab, trang thiết bị,...
Thứ ba, đội ngũ thầy cô giảng viên của Khoa và doanh nghiệp liên kết hợp tác luôn sẵn sàng hỗ trợ, thân thiện và gần gũi với người học. Các thầy cô như chính là những người bạn đồng hành, không chỉ quan tâm về học tập, mà còn quan tâm đến yếu tố con người, sẵn sàng hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và thực tập.
Thứ tư, nhà trường cũng có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp trong ngành. Mỗi năm, cơ sở đào tạo đều được các đơn vị công nghệ lớn trong nước tới để tuyển dụng, đặt hàng, tạo cơ hội việc làm cho người học có cơ hội “cọ xát” với thực tiễn.
Trong quá trình học tập tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tài liệu và nguồn tài nguyên phong phú, luôn có sẵn các giáo trình, bộ video bài giảng, các khóa học khác nhau và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí. Các thầy cô giảng viên không chỉ là những người truyền tải và giúp các bạn tiếp thu kiến thức; mà còn là người hướng dẫn, đồng hành trong suốt chặng đường làm nghề.
Đặc biệt, cộng đồng Công nghệ thông tin hiện nay vô cùng mạnh mẽ. Trên các group hay hội nhóm luôn có những “sân chơi” để các bạn sinh viên có thể chia sẻ và học hỏi kiến thức từ những người khác hay anh chị lâu năm trong nghề.
Để học tốt ngành Công nghệ thông tin, người học cần có năng lực, tố chất gì?
Chia sẻ về một số giải pháp, định hướng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thị trường xã hội, anh Lưu Quang Thuần chia sẻ:
Các cơ sở giáo dục nên tiếp tục đẩy mạnh đào tạo kỹ năng về Git workflow, thực hành thực tế các dự án và bài tập lớn theo cá nhân hoặc theo nhóm với đề tài được thầy cô gợi ý lựa chọn dựa trên thực tế. Trường đại học cũng nên đào tạo về cơ sở dữ liệu phổ biến (sql, mysql); một ngôn ngữ lập trình phổ biến (.net core, c#, nodejs, go, python,...).
Vào giữa năm 3 và đầu năm 4, các bạn sinh viên được khuyến khích thực tập tại doanh nghiệp, rèn luyện những kỹ năng mềm phục vụ cho công việc sau này.
Chúng ta nên có định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên như roadmap về lập trình, về Tester/QA, về quản lý dự án, về nghề phân tích nghiệp vụ,... Nhà trường khuyến khích các bạn sinh viên tham gia các dự án/đề tài giúp giải quyết những vấn đề thực tế, hoặc các dự án mà doanh nghiệp đang làm trên thị trường, để giúp người học hình dung ra công việc thực tế của doanh nghiệp cũng như đánh giá được năng lực sát nhất của từng bạn sinh viên.
Bên cạnh những thuận lợi trong việc theo đuổi ngành Công nghệ thông tin là được tìm hiểu về công nghệ web, ngôn ngữ lập trình rất chuyên sâu, thú vị, hấp dẫn; thì cũng có những thách thức tồn tại như một số học phần mang tính lý thuyết cao; đòi hỏi ở người học phải dấn thân vào làm, thử nghiệm nhiều.
Đối với anh Phạm Quang Huy, từ khi còn nhỏ, anh đã có niềm đam mê đặc biệt với công nghệ và máy tính. Sự say mê này bắt đầu “nhen nhóm” khi được tiếp xúc đầu tiên với những chiếc máy tính và thấy chúng có thể làm được nhiều điều tuyệt vời. Vì vậy, anh Huy từ là cậu bé với mong muốn giúp bố mẹ đỡ vất vả quản lý sổ sách với đống giấy tờ rối rắm đến trở thành kỹ sư Công nghệ thông tin.
“Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về máy tính và công nghệ, "vọc vạch" từ những thứ sơ khai nhất như cài đặt hệ điều hành, bấm dây mạng, đến sử dụng các phần mềm văn phòng. Bản thân tôi không chỉ thấy hào hứng mà còn nhận ra tiềm năng to lớn của công nghệ trong việc cải thiện cuộc sống và công việc con người.
Những năm sau đó, tôi quyết định theo đuổi ngành này không chỉ vì niềm đam mê mà còn bởi mong muốn số hóa đa ngành nghề. Tôi hy vọng rằng, với những kiến thức và kỹ năng mình học được, có thể tạo ra những giải pháp công nghệ hữu ích, giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đó là lý do tôi quyết định theo đuổi ngành Công nghệ thông tin. Niềm đam mê và mong muốn đóng góp cho xã hội đã và đang là động lực mạnh mẽ để mình tiếp tục học hỏi và phát triển trong lĩnh vực này”, anh Huy chia sẻ.
Với một số thách thức như công nghệ luôn thay đổi như “vũ bão”, vì vậy yêu cầu người học phải cập nhật kiến thức liên tục để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Ngoài ra, thời gian làm quen với ngành nghề trong giai đoạn đầu tiên, thông thường các bạn thường nản chí ở những năm đầu do không chịu khó kiên trì học hỏi và thực hành để nắm bắt được công nghệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả một chặng đường về sau.
Do đó, theo anh Huy, lời khuyên dành cho các bạn mong muốn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin là cần tìm hiểu kỹ về các lĩnh vực, chuyên ngành thuộc công nghệ thông tin như phần mềm, mạng máy tính, khoa học dữ liệu, an ninh mạng, và xây dựng ứng dụng di động, để có cái nhìn tổng quan và quyết định chọn lựa phù hợp.
Bên cạnh đó, ngoại ngữ không chỉ là yếu tố then chốt để có được mức thu nhập cao hay gây ấn tượng trong mắt các doanh nghiệp, mà hiện nay, đó còn là yêu cầu bắt buộc trong ngành Công nghệ thông tin.
Và cuối cùng, bí quyết để thành công với nghề của anh Phạm Quang Huy đúc kết được đó là “chăm chỉ”.
Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhấn mạnh: Về bản chất, Công nghệ thông tin là ngành nghiên cứu về các phương pháp xử lý thông tin bằng máy tính. Vì vậy, để theo đuổi ngành học này, người học cần chuẩn bị cho mình những hành trang cơ bản.
Trước hết là sự đam mê với công nghệ, có đam mê thì mới có thể nỗ lực và kiên trì theo đuổi. Thứ hai là cần chuẩn bị nền tảng kiến thức Toán học và tư duy logic, các kiến thức Toán học rất cần thiết trong quá trình học ngành Công nghệ thông tin. Thứ ba, ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) là một yếu tố quan trọng, hầu hết tài liệu ngành Công nghệ thông tin đều được xuất bản bằng tiếng Anh, các công ty cũng yêu cầu khả năng ngoại ngữ để có thể đọc tài liệu và làm việc với các đối tác nước ngoài.
Cuối cùng, sinh viên cần có khả năng tự học, vì kiến thức ngành Công nghệ thông tin thay đổi rất nhanh, nếu không có khả năng tự học sẽ nhanh chóng bị lạc hậu và bị đào thải khỏi thị trường lao động.