Dù nhiều khó khăn ở tuổi 75, nghệ sĩ Mạc Can vẫn đầy lạc quan
Ở tuổi 75, đối diện với không ít khó khăn, song Mạc Can vẫn giữ tinh thần lạc quan với cuộc đời.
Trong ký ức của rất nhiều người, đặc biệt là thập niên 90, vẫn in sâu hình ảnh bác Ba Phi trong phim Đất Phương Nam, cùng với rất nhiều vai diễn khác trong phim Người Đẹp Tây Đô, Ván Bài Lật Ngửa, Áo Lụa Hà Đông và loạt chuyện Cổ tích Việt Nam…
Hình ảnh một ông lão hiền lành, hài hước chuyên kể chuyện tiếu lâm là một dấu ấn in sâu trong lòng khán giả.
Tự mình chạy xe máy đến các địa điểm quay show, tự xoay sở với cuộc sống ở tuổi “bên kia con dốc cuộc đời”, nhưng không thấy Mạc Can than thở bao giờ. Ông mang đến thông điệp ý nghĩa cho tất cả mọi người: “Hãy yêu cuộc đời này đi vì chẳng có lý do nào để ta chán ghét nó cả”.
Gần đây, ông tham gia một vài show truyền hình ở vai trò khách mời. Tuổi tác và sương gió cuộc đời không làm mờ đi sự trẻ trung, lạc quan trong tâm hồn nghệ sĩ Mạc Can.
Trong suốt những phút giao lưu, MC Lại Văn Sâm rất nhiều lần phải “toát mồ hôi” vì sự lém lỉnh, “nửa đùa nửa thật” của nghệ sĩ Mạc Can. MC Lại Văn Sâm khẳng định: “Thưa quý vị, tôi 63 tuổi, 30 năm làm ở Đài truyền hình, nghỉ hưu 3 năm bây giờ phát hiện ra mình là một “thằng khờ” và quyết định nhận nghệ sĩ Mạc Can làm “sư phụ”.
Gắn bó cả đời với nghệ thuật, từ hát xiệc, diễn viên, ký giả kịch trường đến sáng tác kịch bản, viết văn…nhưng ở tuổi 75, gia tài lớn nhất của nghệ sĩ Mạc Can vẫn chỉ là những tác phẩm nghệ thuật.
Cha của Mạc Can là ảo thuật gia Lê Văn Quý. Tuổi thơ của Mạc Can là những ngày lênh đênh trên sông nước Mỹ Tho và các tỉnh miền Tây để đi “hát xiệc” cùng cha mẹ. Ông cho biết: “Tui diễn từ khi chỉ mới biết bò”. Lớn lên, Mạc Can theo cha mưu sinh bằng những vai hề của gánh hát rồi chuyển dần sang ảo thuật. Hằng đêm, gia đình Mạc Can sống trong tiếng nhạc, khói lửa với những màn trình diễn kịch tính.
Bên cạnh niềm vui, điều khiến Mạc Can đau lòng nhất chính là hình ảnh vất vả của cô em gái. Mang phận gái mong manh nhưng cô lại là nhân vật chính cho trò phóng dao rùng rợn. Cứ thế, cô em gái nhỏ phải gồng mình đối diện với nỗi sợ để đổi lấy tiếng hò reo tán thưởng của người đời. Day dứt khôn nguôi, Mạc Can ôm nỗi đau ấy gần 40 năm, để tỏ bày trong tiểu thuyết đầu tay của mình: “Tấm ván phóng dao”. Từ 200 cuốn đầu tiên được in ấn, “Tấm ván phóng dao” được tái bản thành 2000 cuốn.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/tuoi-75-cua-nghe-si-mac-can_104056.html