Dù ở chốn nào, Đỗ Bích Thúy vẫn mang theo chính mình
Đã sống ở nhiều miền xa lạ, nhưng ở bất kì đâu, nhà văn Đỗ Bích Thúy vẫn mang theo chính mình, như một niềm mặc khải về nơi chị được khai sinh.
Đọc nhà văn Đỗ Bích Thúy từ tác phẩm “Tiếng đàn môi bên bờ rào đá”, tôi đã bị cuốn vào bầu khí quyển Hà Giang trong veo. Tôi hình dung ra thế giới xa lạ của núi cao, thung sâu, vòm trăng óng ánh, gió khuya vi vút tiếng đàn dìu dặt.
Yêu vùng cao từ ấy, miền mà tôi để mặc cho trí tưởng tượng dắt theo hồn chữ của tác giả mang cái tên màu xanh: “Bích Thúy”- Thúy Thúy, cứ biếc lên. Và rồi duyên nợ cho tôi may mắn được hạnh ngộ với chị trên Facebook.
Mỗi dòng trạng thái của chị đều khiến tim tôi xốn lên. Cuốn tản văn “Than đỏ dưới tro tàn”, được chị “xé rách mình” mà khai sinh vào xuân muộn (4/2023- Nhà xuất bản Hội Nhà văn), khi mùa còn chưa muốn rời đi. Đất trời níu xuân tặng riêng cho chị, dành ân huệ cho vị sứ giả mở lối để dòng Mã Pí Lèng chảy đến Kinh thành, khiến phố phường bớt xô xệch chăng?
Chẳng học vẽ ngày nào, nhưng nhìn bìa sách, tôi hình dung ra chiếc muôi gỗ lớn, 2 bóng người kề nhau, lại là một cái cây cổ thụ, mọc đâu đó bên sườn đồi, chạm trăng đêm, vờn mây sớm, no gió vào những trưa hè lấp lánh.
Gốc cây ấy, mọc ở đầu ngõ, tỏa bóng che cho ngôi nhà sàn, đứa bé áp lưng vào ngóng mẹ mỗi chợ phiên. Bóng cây ấy, đã chạm trổ một giấc hương quan rất riêng, tha thiết, mềm mát, đêm ngày gào gọi Thúy. Và có lẽ, mãi về sau này, khi còn hơi thở, trong lòng tay chị sẽ vẫn là một con cua giương mắt ngơ ngác nhìn xung quanh bò ra từ một hang đá nào đó. Văn Thúy đẹp cả hình vóc lẫn hồn chữ.
Đỗ Bích Thúy là “Viên than đỏ dưới lớp tro tàn”, mà niềm yêu sống hiển hiện trên khuôn mặt an nhiên và một phần tàng ẩn trong thế giới tâm hồn kiêu hãnh của người đàn bà từng đi qua những cơn bão. Chị không còn nhớ đã làm như thế nào để tồn tại, nhưng khi ra khỏi nó, Thúy đã không còn là Thúy của lúc bị cuốn vào. Thích được ví mình với viên than đỏ, cũng có lý riêng của Thúy. Vì khi ta xoay ngược một que diêm đang cháy, sẽ thấy hình trái tim, lửa là sự sống, yêu thương và nhiệt huyết. Bởi thế, với chị, được sống để được viết là hạnh phúc.
Chị chi chút và yêu thương tất thảy, nên trước khi bắt đầu một cuốn sách, là bắt đầu rong chân trên những nẻo đường xa ngái. Những thứ nhặt được dọc hành trình, qua con chữ của Đỗ Bích Thúy, sáng lên lấp lánh. Và những đôi giày trong ngăn tủ của chị cứ đầy mãi lên. Giá trị của chúng không nằm ở số tiền mà thuộc về những câu chuyện chúng kể.
Người đàn bà mảnh mai mà cương cường ấy đã viết trong những cảm xúc rùng rùng, trào chảy dưới đầu ngọn bút. Một kiểu kí thác gan ruột, bởi khi bắt tay vào dòng đầu tiên của một cuốn sách, chị đã trao cho đứa con tinh thần của mình một sinh mệnh.
Nhà văn không thể có quyền năng để bắt độc giả phải nâng niu tác phẩm của mình, mà chỉ trổ nhánh yêu thương, da diết còn cây quyền trượng lại nằm trong tay độc giả. Đỗ Bích Thúy viết về những điều giản dị quanh chị. Những thứ nói tới, tưởng như quen thuộc lắm rồi, nhưng đọc, tôi thấy như thể lần đầu tiên, lần duy nhất, hay cuối cùng, vì có lẽ chị viết trong tâm thế khám phá, biết ơn và tha thứ chăng?
Thúy viết về tháng Giêng, nhẹ nhõm và hừng lên như một nụ hoa mới hé, từng cánh là những lát cắt kí ức về nơi chị đã bước ra. Từ tập quán, thói quen làm việc của người vùng cao, cặm cụi hết thảy thời gian đêm trước, để hơi men tràn, thậm chí người vợ bế chồng mình nằm vắt vẻo trên lưng ngựa, còn cô thì vui với nhánh non buổi sớm, trĩu lòng cùng tiếng nai tác bạn trăng sâu.
Tháng Giêng đến dụng cụ nhà nông cũng bóng nhoáng và được thắt nơ đỏ trịnh trọng, lễ hội lồng tồng. Bắt vào kí ức là mùi canh dưa mẹ nấu, đến giờ vẫn nằm nguyên trong tuổi trung niên. “Đường đời đã quá dài và đầy những khúc quanh, khi ngoái lại tôi nhìn thấy những tháng Giêng ấy, thật tinh khôi, thật thơm tho, thật tĩnh lặng”.
Ở đâu Thúy cũng là Thúy, nhưng trở về miền núi Thúy mới thật là chính mình. “Cái miền núi mà muốn nhìn trời nhất định phải ngửa mặt lên, kể cả chân trời. Vì chân trời cũng nằm trên đỉnh những ngọn núi”.
Dọc đường về, dưới mỗi vết chân chị đều hằn lên câu chuyện cuộc sống thấm thía. Những tưởng ánh mắt mở to, bình thản mà nhìn đời kia sẽ khó mà nhỏ lệ, vì có bao nhiêu, dường như đã chảy cho kí ức trong những cơn gió nghịch mùa của số phận, nhưng không phải thế, tôi thấy từng giọt khóc của chị nóng hổi trên trang viết, cuống quýt, nhàu đau.
Chị kể câu chuyện đời mình, qua ấu thơ, ngồi từ chân núi mà khao khát phố thị. Và giờ, chị đã xuống phố, nhưng hồn còn váng vất đâu đó, dưới lớp tro xám ở “cạnh bếp có một cái muôi gỗ”, dù “sau những mùa trăng” đã nối nhau, thì Thúy vẫn cảm thương đến nhỏ máu đứa bé gọi chị bằng bác, xuống phố để nhập vào mùi sát trùng của bệnh viện, chữa căn bệnh hiểm ác.
Vẫn con đường núi trập trùng đèo dốc, nhưng mỗi người đều đi một hành trình riêng của mình, nhọc nhoài. Chị viết về cảm giác của mình, khi gặp lại “con bé chỉ còn mỉm cười trong một tấm ảnh, với đôi mắt trẻ thơ buồn kì lạ”.
Và một định nghĩa về hạnh phúc của chị khiến tôi nhoi nhói “sống ở trên đời này, thật sự không phải là điều dễ dàng. Dù với một đứa trẻ hay với một người trưởng thành… Người ta cần cả những chuyến đi xa, những rời bỏ để nhớ thương suốt đời. Nhớ thương là một cảm giác hạnh phúc”. Lâu lắm rồi đã bình thản trước mọi điều, thì nay những con chữ của chị đã lấy nước mắt của tôi. Khi mất một ai đó ta yêu thương, thật kinh khủng, nhưng bất hạnh nhất là chưa bao giờ gặp được một ai như thế. Chị là một người đàn bà hạnh phúc.
Không viết về hạ theo lẽ thông thường khi xuân đã cạn, ngòi bút của chị sang thu. Thu là buổi chiều của năm, là sự thu vén để kết thúc, khoảng nối giữa chói chang, rực rỡ hạ với tê tái, giá buốt đông. Thu vì thế nồng nàn và gieo thương nhớ. Thu dắt chị và hai cô con gái chơi giữa những tàn phai. Nhìn con, chị thấy tuổi thơ mình hiển hiện. Thúy tự nhận “mình là đứa bé xấu xí chỉ những cánh rừng rộng lớn mới là nơi tôi không cần mặc cảm”.
Với chị, rừng không chỉ là quê hương, còn là bao dung. Thu trong chị là mùa nhớ yêu và độ lượng. Bởi ở đó chị thấy tuổi thơ mình náo nức qua đôi cẳng chân bé xíu đầy sẹo, mái tóc bù xù. Chị gặp thuở trong veo, hồn nhiên, mềm mộc nhất của đời người, để khi trưởng thành, dù đó là miền xa ngái nhưng bao giờ cũng hằn vết sâu nhất. Soi vào đầu tiên để thấy cuối cùng, điều ý nghĩa nhất của đời người là gì. Những chuyến đi để Thúy nhặt lấy những gì đã đánh rơi, thấy mình sau những cơn sang thương, đã đau đớn, đã hạnh phúc, đã tự lành.
Chị “Để lại tuổi trẻ ở trên núi”. Và tất cả những gì chị ôm yêu đều từ phía cổng trời Hà Giang mở ra. Lần nào về phía núi, Thúy cũng dừng lại lưng chừng lắng nghe những hào hển của cao miên xa xôi ghé xuống, nắng, mưa, sương sớm, mây chiều, trăng khuya.
Tất cả, tất cả như len lén, dìu dịu vỗ về trái tim gầy guộc thổn thức trong vòm ngực mong manh của chị. Miền cao đẹp vời vợi, ngàn trùng. Nơi những mảnh đời giáo viên cắm bản nghẹn ngào ngải đắng, “thâm sơn cùng cốc, lũ trẻ đến trường có đứa còn cởi truồng, các cô giáo cũng không được phép mặc quần jean lên lớp”, những thỏi son khô khốc nứt tróc.
Viết đến đây, con chữ như nghẹn lại, niềm đồng cảm giới, nỗi thương bọn trẻ và sự day dứt quê nghèo lẩn khuất. Chẳng thế mà lần nào trở về, chị cũng đem theo những món quà, những tấm lòng thơm thảo, tuy không nhiều nhưng cũng là chút gì đó để ngăn cơn gió tơ táp những gò má non, những nét môi thiếu phụ đã héo. Văn chị vì thế, đẹp cả trong nỗi buồn. Nghệ sĩ chân chính là gì, nếu trang viết của họ đi ngoài nỗi lo đau cuộc đời. Và núi sừng sững kia, trên mỏm đá gió đã đẽo mòn, giữa đỉnh hoang vu vẫn thấy một trái tim xanh biếc Đỗ Bích Thúy hừng lên niềm yêu như hòn than dưới lớp tro nóng hổi.
“Tôi trả tôi về bên những ngọn núi, để sống cuộc đời mê say”, đó là trang khép lại cuốn tản văn “Than đỏ dưới tro tàn”, cũng là niềm say mê, khao khát nhưng độ lượng của Đỗ Bích Thúy. Là sự lên tiếng của đại ngàn hoang hiu, nghìn năm vẫn thao thiết nhớ nhung một mảnh rừng xanh về phố, lời đá núi, sông suối, nương đồi, tiếng đàn môi và những bóng thinh trầm, đẹp đến tráng lệ. Thân nơi phố phường cát bụi, tâm vẫn chan gió lá đại ngàn. Đã sống ở nhiều miền xa lạ, nhưng ở bất kì đâu, vẫn mang theo chính mình, như một niềm mặc khải về nơi chị đã được khai sinh.