Dự phòng loãng xương – cách xử lý hiệu quả nhất
Loãng xương vốn là bệnh diễn biến âm thầm, chỉ đến khi thấy hậu quả là gãy xương thì đa phần mới phát hiện mình bị loãng xương. Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách nào, xử lý ra sao để hiệu quả nhất.
ThS.BS Vũ Văn Lực, nguyên bác sĩ bệnh viện Hà Thành, phụ trách chuyên môn Y DP Vinh Gia với gần 20 năm kinh nghiệm trong khám, tư vấn và điều trị nội tổng hợp, chuyên ngành cơ – xương – khớp chia sẻ cụ thể.
Loãng xương là bệnh gì?
Loãng xương thực chất chính là hậu quả của sự rối loạn trong cân bằng tạo và hủy xương, trong đó quá trình hủy xương chiếm ưu thế. Hậu quả nặng nhất của loãng xương là gãy xương. Tuổi thọ trung bình càng cao, số người mắc bệnh ngày càng nhiều.
Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
Theo nguyên nhân, loãng xương được chia làm 2 loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát:
- Loãng xương nguyên phát
Là loại loãng xương không tìm thấy căn nguyên nào khác ngoài tuổi tác và/ hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ. Nguyên nhân do quá trình lão hóa của tạo cốt bào, làm xuất hiện tình trạng mất cân bằng giữa hủy xương và tạo xương, gây nên thiểu sản xương. Loãng xương nguyên phát được chia làm hai týp.
Týp 1: Loãng xương sau mãn kinh, thường gặp ở nữ khoảng từ 50 – 60 tuổi, đã mãn kinh.
Týp 2: Loãng xương ở tuổi già, liên quan đến tuổi với sự mất cân bằng giữa tạo và hủy xương. Týp này gặp ở cả nam và nữ ở độ tuổi trên 70.
- Loãng xương thứ phát:
Loãng xương thứ phát là loãng xương do hậu quả của một số bệnh lý mạn tính gây ra như:
+ Bệnh tiểu đường
+ Suy thận
+ Cường giáp
+ Bất động kéo dài
+ Tiền sử còi xương, suy dinh dưỡng
+ Bệnh lý đường tiêu hóa làm giảm hấp thu canxi và chất dinh dưỡng
+ Sử dụng thuốc corticoid kéo dài (rất thường gặp)
+ Sử dụng thuốc chống đông máu nhóm kháng vitamin K kéo dài…
Theo yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương là do:
- Di truyền: Người da đen ít bị loãng xương hơn người da trắng và người châu Á, người gầy hay bị loãng xương hơn, một số trường hợp loãng xương có tính chất gia đình.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao, mật độ xương càng giảm, hiện tượng mất xương theo tuổi đời đã được nhiều tác giả nghiên cứu chứng minh. Mật độ xương giảm dần theo tuổi và tỷ lệ gãy xương tăng theo tuổi, điều này do chức năng của tạo cốt bào suy giảm và suy giảm hấp thu calci ở ruột, giảm tái hấp thu calci ở ống thận.
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn không đầy đủ canxi sẽ ảnh hưởng đến sự đạt đỉnh khối lượng xương và sự mất xương sau này. Chế độ ăn nhiều phospho mà hàm lượng canxi thấp không tương xứng cũng sẽ đưa đến giảm mật độ xương. Chế độ ăn thiếu protein đưa đến giảm khối lượng xương rõ rệt, ngược lại nếu cung cấp quá nhiều protein cũng dẫn đến mất xương do làm tăng mức lọc cầu thận, giảm tái hấp thu canxi ở ống thận.
- Ít vận động: Vận động cần thiết để duy trì mô xương, giảm vận động ở người lớn tuổi cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến sự mất xương. Sự vận động của các cơ kích thích sự tạo xương và tăng khối lượng xương. Ngược lại, sự giảm vận động dẫn tới mất xương nhanh.
- Cân nặng: Trọng lượng cơ thể cũng ảnh hưởng tới mật độ xương. Nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có cân nặng thấp có mật độ xương giảm so với những người có cân nặng bình thường.
- Chiều cao: Nhiều nghiên cứu thấy rằng chiều cao có ảnh hưởng đến mật độ xương, chiều cao dưới 145cm là yếu tố nguy cơ gây lún đốt sống do loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
- Ảnh hưởng của hormon: Có rất nhiều hormon trong cơ thể tác động đến quá trình chuyển hóa của xương.
+ Hormon cận giáp (parathyroid hormon – PTH): Tác động chủ yếu trên quá trình tạo xương, PTH ức chế sự tổng hợp collagen hoặc chất căn bản của tạo cốt bào. Tuy nhiên, trên cơ thể người PTH có tác dụng kích thích sự tạo xương.
+ Calcitonin (CT): Tác dụng chủ yếu là ức chế quá trình hủy xương nhưng không ảnh hưởng đến quá trình tạo xương.
+ Insulin: Là hormon do tế bào β của tụy bài tiết. Vai trò chính của insulin là làm hạ đường huyết. Trên xương, insulin điều hòa sự hủy xương, kích thích tổng hợp chất căn bản của xương và sự tạo sụn. Insulin là yếu tố rất cần thiết cho sự khoáng hóa bình thường của xương, thiếu insulin sẽ làm quá trình khoáng hóa xương và sự phát triển của xương giảm.
+ Hormon tăng trưởng (GH): Không có tác dụng trực tiếp lên hủy và tạo xương, nhưng nó có thể kích thích sự tổng hợp IGF1 (insulin like growth factor 1) của tế bào xương.
+ Glucocorticoid: Có tác dụng rõ rệt lên chuyển hóa xương và chất khoáng của xương. Trong cơ thể nó kích thích sự hủy xương và có lẽ làm giảm sự hấp thu canxi, tăng đào thải canxi và phospho ở thận, ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin D và làm tăng PTH. Sử dụng glucocorticoid kéo dài sẽ ức chế tổng hợp collagen do làm giảm sự sao chép của tiền tạo cốt bào dẫn đến mất nhiều tạo cốt bào gây loãng xương.
+ Hormon sinh dục: Ngày nay người ta đã biết rằng các hormon sinh dục giữ vai trò rất quan trọng trong sự trưởng thành của mô xương. Ảnh hưởng của androgen và estrogen trong việc phòng sự mất xương liên quan đến tuổi, đặc biệt với nữ giới trong giai đoạn mãn kinh. Trong cơ thể, estrogen có tác dụng ức chế hủy xương gián tiếp thông qua các hormon khác hoặc thông qua tác động của các yếu tố tăng trưởng tại chỗ. Một số nghiên cứu đã cho thấy trên bề mặt của tạo cốt bào có các thụ thể với estrogen và ảnh hưởng trực tiếp lên quá trình tạo xương. Ngoài ra, estrogen còn ảnh hưởng đến việc tạo ra các yếu tố tăng trưởng tại chỗ như IGF, cytokin, interleukin 1 tham gia vào quá trình tạo xương. Các hormon sinh dục nam và nữ (androgen và estrogen) cần thiết cho sự trưởng thành của mô xương và việc phòng ngừa mất xương theo tuổi. Ở nữ giới có sự thiếu hụt rất lớn lượng estrogen sau giai đoạn mãn kinh. Còn ở nam, tuổi càng cao thì lượng testosteron càng giảm do số tế bào Leydig bị giảm đi đáng kể. Ngoài việc giảm testosteron thì sự thiếu hụt estradiol cũng góp phần vào sự loãng xương ở nam giới.
+ Vitamin D (1,25 dihydroxy vitamin D3): Chủ yếu được tổng hợp ở thận, có chức năng tương tự PTH. Vitamin D có tác dụng kích thích tủy xương và ức chế sự tổng hợp collagen hoặc chất căn bản của mô xương. Vitamin D rất cần thiết cho sự khoáng hóa bình thường của xương, mặc dù nó không kích thích trực tiếp lên sự tạo xương.
+ Các hormon tuyến giáp (thyroid hormones): Rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của xương, chúng tác động lên sự tạo sụn trong sự liên kết với IGF1. Ngoài ra các hormon này còn có tác dụng kích thích sự hủy xương. Các hormon tuyến giáp không giữ vai trò trong việc kích thích tổng hợp chấp căn bản của mô xương hoặc sự sao chép của các tạo cốt bào.
- Ảnh hưởng của các vitamin và khoáng chất khác
+ Vitamin C: Cần thiết để xây dựng sợi collagen, thiếu vitamin C sự tạo chất tiền xương bị cản trở đến mức có thể gây loãng xương.
+ Phospho: Thiếu phospho vì thiếu vitamin D hoặc nguyên nhân khác cản trở sự vô cơ hóa của chất tiền xương, cũng có thể sinh ra còi xương hoặc nhuyễn xương. Trong một vài điều kiện đặc biệt, thiếu phospho gây loãng xương do tăng hủy xương và giảm tạo xương.
+ Vitamin K: Vitamin K1 có vai trong tổng hợp các yếu tố đông máu ở gan, còn vitamin K2 giúp gắn canxi vào xương. Tác dụng này của vitamin K2 giúp cho xương chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ làm giảm canxi trong máu, ngăn cản quá trình vôi hóa trong mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Các đối tượng khác: Sử dụng một số thuốc (glucocorticoid, heparin...) kéo dài, uống rượu, hút thuốc lá, sinh đẻ nhiều lần,... đều có ảnh hưởng tới mật độ xương.
- Các bệnh lý mạn tính: Cường giáp, cường cận giáp, Cushing, đái tháo đường, sau cắt dạ dày, ruột, rối loạn tiêu hóa kéo dài, suy thận, xơ gan, suy giáp, viêm khớp mạn tính.... cũng là nguyên nhân dễ mắc bệnh loãng xương.
Dự phòng loãng xương là biện pháp xử lý hiệu quả nhất
Loãng xương không có biểu hiện gì đặc biệt, cho đến khi bệnh đã nặng hoặc có biến chứng gãy xương. Lúc này chủ yếu là xử lý biến chứng cũng như hậu quả, việc xử lý này cũng chỉ góp phần làm giảm sự phát triển của bệnh chứ không thể khỏi hoàn toàn.
Bởi vậy, biện pháp dự phòng vô cùng quan trọng, phát hiện và xử lý sớm sẽ giúp giảm biến chứng của bệnh.
Dự phòng loãng xương
Mục tiêu dự phòng loãng xương là tối ưu hóa khối lượng đỉnh của xương ngay từ khi còn trẻ, duy trì mật độ xương và giảm mất xương khi về già. Do vậy cần dự phòng loãng xương càng sớm càng tốt, ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Chế độ dinh dưỡng cần điều độ, đa dạng, cân đối và hợp lý. Bữa ăn cần cung cấp đủ năng lượng và protein như thịt, cá, trứng, sữa. Cần ăn cả các loại thức ăn giàu chất khoáng như canxi, magiê, phospho, vitamin D.
Cần ăn các loại sữa và sản phẩm sữa (sữa chua, phô mai, váng sữa...) vì chúng có hàm lượng canxi cao, canxi sữa có độ đồng nhất cao, dễ hấp thu. Vitamin D trong sữa giúp cơ thể hấp thu tốt hơn canxi.
Đối với phụ nữ, ngoài các vitamin và dưỡng chất thiết yếu, việc bổ sung nội tiết tố nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh cũng có vai trò rất quan trọng giúp xương chắc khỏe và dự phòng mất xương.
Hạn chế uống rượu, bia, thuốc lá, cà phê; Vận động thể lực hợp lý; Tập thể dục, aerobic và tập thể dục có tải trọng,... cũng có tác dụng tốt giúp xương chắc khỏe.
Canxi đóng vai trò rất quan trọng giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên cơ thể chỉ cần 1 lượng vừa đủ, nếu thừa hoặc không hấp thu hết từ ruột vào máu sẽ gây nóng nhiệt, táo bón, sỏi thận. Cần chuyển hóa vào tận xương, canxi dư thừa trong máu sẽ gây xơ vữa động mạch, vôi hóa mô mềm. Bởi canxi trong cơ thể có tới 99% trong xương, răng, móng, chỉ 1% trong máu và cơ quan khác.
Nên chọn canxi nano giúp hấp thu tối đa, bổ sung vitamin D3 và MK7 giúp hấp thu và chuyển hóa canxi từ ruột vào máu và từ máu vào xương, hạn chế dư thừa trong ruột, trong máu gây tác dụng phụ.
MK7: Là vitamin K2 tự nhiên, được chiết xuất từ đậu tương lên men theo phương pháp truyền thống Natto của Nhật Bản. MK7 được ví là “người lái xe” đưa canxi vào đúng nơi cần đến. Nếu không có MK7 (người lái xe) thì canxi sẽ đi vào mọi nơi. Nếu không có MK7, dù có vitamin D thì canxi sẽ chống lại bạn. Khi đó canxi thích gắn vào mô mềm, vào mạch máu (như động mạch vành tim, thận, tĩnh mạch) hơn là gắn vào xương của bạn, gây ra nhiều phiền hà cho con người (như nhiều bệnh xương khớp, vôi hóa mạch máu tạo vữa xơ động mạch, giãn tĩnh mạch, bệnh mạch vành tim, sỏi thận, suy thận, vôi hóa các mô liên kết, tạo vết nhăn v.v…)
MK7 không chỉ giúp xương chắc khỏe bằng cách đưa canxi từ máu vào xương, mà còn giúp xương dẻo dai, đàn hồi tốt hơn nhờ tác dụng tăng sản xuất Collagen trong xương.
Ngoài canxi, xương cần thêm các khoáng chất khác để phát triển chắc khỏe, đó là: Magie, mangan, kẽm, đồng, Boron, Silic (trong cỏ đuôi ngựa), cần chondrotin và Silic để tăng tạo sụn, cần acid folic và DHA để tăng khối xương.
Xử lý loãng xương
Bệnh loãng xương có thể được cải thiện nhờ một chế độ ăn uống sinh hoạt và sử dụng thuốc hợp lý.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Cần duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng, hợp lý phù hợp với nhu cầu của cơ thể trong từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng thói quen sinh hoạt.
Theo các nghiên cứu gần đây, chế độ ăn của dân ta nói chung rất thiếu canxi. Sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, phô mai..) giàu canxi chỉ chiếm một vị trí rất khiêm tốn trong khẩu phần ăn của đa số dân ta và con số ít ỏi này cũng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn.
Ở người có tuổi cần đặc biệt quan tâm đến các thành phần khoáng chất (nhất là canxi) và protid trong khẩu phần ăn vì ở người có tuổi khả năng ăn uống và hấp thu các chất dinh dưỡng và khoáng chất đều bị hạn chế. Chính vì vậy sữa là một loại thức ăn lý tưởng để cung cấp cả canxi và protid cho người có tuổi. Lượng sữa cần thiết mỗi ngày từ 500 đến 1.000ml (có thể là sữa tươi, sữa chua hoặc sữa pha từ sữa bột).
Cần duy trì một chế độ sinh hoạt đa dạng, năng động: vận động thể lực đều đặn, vừa sức, tăng cường các hoạt động thể lực ở ngoài trời. Việc vận động thường xuyên vừa có ích cho toàn cơ thể (hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ thống tiêu hóa...) vừa tác dụng tốt trực tiếp cho hệ thống xương cơ khớp, chống thoái hóa và chống loãng xương (do tăng cường hoạt động của tế bào sinh xương, tăng cường hấp thu canxi và protid).
Đối với người lớn tuổi cần hết sức tránh bị té ngã vì khi xương đã bị loãng, gãy xương sẽ rất dễ xảy ra, khi gãy lại rất khó liền. Việc bất động để điều trị gãy xương không những làm cho loãng xương nặng thêm mà còn là nguy cơ của nhiều bệnh lý do nằm lâu khác.
- Điều trị bằng thuốc
Thuốc giảm đau chỉ dùng khi cần thiết, tùy mức độ có thể dùng các thuốc giảm đau đơn thuần (Paracetamol,...), hay dùng Calcitonine thuốc vừa có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương vừa có tác dụng giảm đau do hiện tượng loãng xương. Hạn chế dùng các thuốc kháng viêm giảm đau đặc biệt nhóm thuốc kháng viêm chứa Corticosteroides.
Cung cấp canxi theo nhu cầu của cơ thể ở từng lứa tuổi, từng trạng thái cơ thể... để bổ sung cho những thiếu hụt mà khẩu phần ăn hàng ngày chưa đáp ứng đủ (Ở người có tuổi, nhu cầu về canxi tăng mà khả năng hấp thu canxi ở ruột lại bị giảm sút, ở phụ nữ có thai, cho con bú, sau mãn kinh... nhu cầu canxi đều tăng...).
Trong mọi phác đồ, luôn phải cung cấp đủ canxi, trung bình 1.000mg mỗi ngày. Nếu chế độ ăn không đủ, cần cung cấp canxi dưới dạng thuốc. Người nhiều tuổi nên uống kết hợp canxi 1.000mg và vitamin D3 800 UI hàng ngày. Cung cấp vitamin D hoặc chất chuyển hóa của vitamin D (Canxitriol - Rocaltrol) để tăng cường khả năng hấp thu và sử dụng canxi của cơ thể.
Cung cấp Vitamin K2, trong đó Menaquinon 7 (1 loại Vitamin K2 trong tự nhiên có nguồn gốc từ Natto – chất lên men từ đậu nành, được người Nhật Bản sử dụng như thực phẩm) giúp “đặt” Canxi vào đúng chỗ cần và “kéo” Canxi ra khỏi chỗ không cần (thậm chí chỗ nguy hiểm). Chỗ cần là xương và máu, chỗ không cần là vôi hóa thành mạch, vôi hóa các mô mềm.
Dùng các thuốc để ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương, liệu pháp hormon thay thế (hormon sinh dục nữ cho phụ nữ sau mãn kinh), Canxitonine... theo chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.
Để có kết quả, việc xử lý loãng xương cần toàn diện, liên tục và lâu dài. Thời gian phải được tính bằng năm chứ không tính được bằng tháng (để đánh giá kết quả, thường phải sau 2 năm) nên chi phí thường quá cao so với mức sống hiện nay của đa số nhân dân lao động. Chính vì vậy việc phòng ngừa bệnh có ý nghĩa rất lớn, cả về mặt hiệu quả và kinh tế.
- Thuốc làm tăng mật độ xương
Hiện nay nhóm thuốc tăng mật độ xương được sử dụng rộng rãi nhất là nhóm biphosphonate, bào chế dưới dạng viên uống hoặc dung dịch truyền tĩnh mạch. Cơ chế tác dụng của thuốc này là ức chế hủy xương, trong khi quá trình tạo xương bình thường, kết quả là tăng mật độ xương. Mặc dù tác dụng như vậy, nhưng việc tăng mật độ xương là vô cùng khó khăn, nhất là người cao tuổi. Vì thế mà, điều trị loãng xương phải điều trị kéo dài hàng năm, thậm chí điều trị liên tục 4 – 5 năm.
Một điểm lưu ý là trước khi điều trị bằng thuốc ức chế hủy xương, phải cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D cho cơ thể, tức là phải cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho quá trình tạo xương. Ngoài ra, điều trị thuốc nhóm biphosphonate phải được bác sĩ chuyên khoa khám và chỉ định, đặc biệt phải theo dõi sức khỏe định kỳ trong suốt quá trình điều trị, phát hiện sớm các biến chứng của thuốc để có biện pháp xử trí kịp thời.
Điều trị loãng xương đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và tốn kém nên biện pháp tốt nhất là chúng ta nên dự phòng loãng xương.
Ths. Bs Vũ Văn Lực
Sau khi tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành nội tổng hợp, cơ – xương – khớp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Vũ Văn Lực có 9 năm từng làm việc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp, Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động và gần 10 năm trực tiếp tham gia khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Việt Hàn, Hà Nội và Bệnh viện đa khoa Hà Thành, Hà Nội. Hiện Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Lực là chuyên gia phụ trách chuyên môn y tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia.
Xem thêm: https://thegioiduocvinhgia.vn/author/bs-vu-van-luc
https://bacsituvan.vn/Chuyengia?id=20
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/du-phong-loang-xuong-cach-xu-ly-hieu-qua-nhat-n185054.html