Dự phòng rủi ro tăng đột biến dưới áp lực nợ xấu, lợi nhuận 6 tháng của ABBank (ABB) giảm mạnh gần 60%
Áp lực nợ xấu đẩy chi phí dự phòng của Ngân hàng TMCP An Bình tăng vọt trong nửa đầu năm nay đã khiến lãi ròng của nhà băng này giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong nhiều năm, ABBank cũng liên tiếp bảo lãnh các dự án bất động sản của các công ty có liên quan đến một tập đoàn đa ngành.
Nợ xấu tăng cao là một trong những điểm nóng của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm nay. Khủng hoảng của thị trường bất động sản, tác động từ sự đứt gãy một số kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, các nhà băng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong số những ngân hàng bị tác động bởi sự gia tăng của nợ xấu, có không ít cái tên đột biến. Một trong số đó là Ngân hàng TMCP An Bình - An Bình Bank (mã ABB). Nhà băng này ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh, đi kèm với đó là quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) tăng mạnh. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ABB cũng ở mức thấp so với mặt bằng chung dù ngân hàng này đã gia tăng trích lập dự phòng.
Lợi nhuận 6 tháng giảm mạnh do chi phí dự phòng rủi ro
Theo báo cáo tài chính kiểm toán quý II/2023, ABBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 776,5 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi từ hoạt động dịch vụ gia tăng nhưng kết quả này không bù đắp được sự sụt giảm ở một số mảng kinh doanh khác. Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi thuần chỉ bằng một nửa cùng kỳ, giảm từ 486,2 tỷ xuống chỉ còn 236,6 tỷ đồng.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác cải thiện, nhưng con số này không đủ để bù cho sự sụt giảm ở những mảng kinh doanh chính. Kết quả là tổng thu nhập hoạt động của ABB trong nửa đầu năm nay chỉ đạt hơn 2.580 tỷ đồng, so với mức 2.800 tỷ của nửa đầu năm 2022.
Hoạt động kinh doanh sụt giảm, song chi phí hoạt động của ABB vẫn ghi nhận mức tăng hơn 17%. Đặc biệt, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng còn tăng đột biến gấp gần 4 lần, lên hơn 800 tỷ đồng.
Kết quả này khiến lợi nhuận sau thuế của ABBank trong nửa đầu năm nay chỉ đạt hơn 540 tỷ đồng, giảm gần 60% cùng kỳ năm trước. Trong đó, theo báo cáo tự lập riêng quý II, lãi ròng nhà băng này giảm tới 94%.
Nợ xấu tăng cao 61%
Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ABBank là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến, từ 173,9 tỷ lên 697,9 tỷ đồng trong quý II. Tính chung 6 tháng đầu năm, nhà băng này trích lập dự phòng hơn 800 tỷ đồng, so với mức hơn 200 tỷ trong cùng kỳ năm trước.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán, ABBank cho biết, nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) trong kỳ đạt 77.129,1 tỷ đồng; nợ cần chú ý (nhóm 2) đạt 3.071,1 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) đạt 1.385,3 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) đạt 1.311,4 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm 1.123,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong đó, nợ nhóm 2 tăng gần gấp đôi, nợ nhóm 3 và nhóm 4 cũng gia tăng từ 156,3% tới 211,7%. Nợ nhóm 5 giảm nhẹ gần 20%.
Tổng nợ xấu của ngân hàng An Bình tại cuối quý 2 là 3.820 tỷ đồng, tăng tới 61% so với thời điểm đầu năm. Như đã nêu trên, phần nợ gia tăng chủ yếu đến từ nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4.
Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của ABB tính đến cuối quý 2 là 1.282 tỷ đồng, tăng nhẹ 25% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, con số dự phòng này chỉ tương đương tỷ lệ 33,6% so với quy mô nợ xấu tính tới cuối quý 2, đồng nghĩa với việc ABB mới chỉ bao phủ được hơn 1/3 giá trị phần nợ nhóm 3-5 đang ghi nhận.
Minh Nhật - Du Uyên
Trong nhiều năm qua, ABBank đã liên tiếp bảo lãnh cho các dự án bất động sản của các công ty có liên quan đến một tập đoàn đa ngành, điển hình như: Công ty HTL Việt Nam - Chủ đầu tư một dự án tại Quận Hoàng Mai, Hà Nội; Công ty Tân Hoàng Cầu - Chủ đầu tư dự án tòa nhà văn phòng PeakView Tower tại 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội…
Tập đoàn nói trên là một cái tên rất tích cực trong những năm qua khi huy động gần 6.500 tỷ đồng trái phiếu thông qua 54 đợt phát hành, phần lớn tập trung vào năm 2020. Nếu tính cả các bên liên quan, các doanh nghiệp liên quan đến “đại gia” của tập đoàn này đã huy động tổng cộng 16.422,7 tỷ đồng trái phiếu từ năm 2019 đến nay.
Trong năm 2022, nhóm này đã đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, Vạn Hương mua lại hết 1.499,6 tỷ đồng trái phiếu DRGCH2123005, HTL Việt Nam mua lại 434 tỷ đồng trái phiếu HLNCH2124001. Thêm vào đó, nhiều trái phiếu của tập đoàn cũng đáo hạn trong năm 2022 với tổng giá trị 1.978 tỷ đồng.
Trong năm 2023, một số lô trái phiếu của tập đoàn và các công ty liên quan sẽ đáo hạn gồm lô 1.497,3 tỷ đồng, GLH2014001 (500 tỷ đồng) và GLH2014002 (500 tỷ đồng).