Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Chế tài nào bảo vệ những đứa trẻ làm nghề giúp việc?
Dù là công việc kiếm sống lành mạnh và cần thiết như rất nhiều công việc khác, nhưng khi trẻ em theo nghề giúp việc, đồng nghĩa với việc trẻ em có thể bị ngược đãi, bị tước quyền học tập, vui chơi…
Dù pháp luật về lao động hiện hành và đang trong quá trình sửa đổi đều có những điều khoản quan tâm đến đối tượng giúp việc gia đình và lao động chưa thành niên, tuy nhiên vẫn còn thiếu vắng những quy định cụ thể về vấn đề trẻ em làm công việc giúp việc gia đình.
Những đứa trẻ bên lề mái ấm
Từ những năm đầu thập niên 2000, việc trẻ em rời bỏ gia đình để lên thành phố giúp việc nhà bắt đầu phổ biến. Thậm chí, đã từng có bài báo giật cái tít giật mình “Ô sin trẻ em lên ngôi”. Giật mình bởi lẽ sự “lên ngôi” đó thật đáng buồn, đồng nghĩa với việc trẻ em phải rời bỏ mái ấm để đến sống trong một gia đình hoàn toàn xa lạ và công việc thì không hề “nhàn” hơn những bạn bè đang lao động kiếm sống ngoài ruộng đồng hoặc trên đường phố.
“Em nhớ nhà, nhớ mẹ”, “Không được ra ngoài nhiều, chủ yếu loanh quanh trong nhà, cả ngày chẳng nói chuyện với ai. Em chỉ biết viết nhật ký mỗi khi tranh thủ trông em bé ngủ...”, đó là tâm sự thường thấy của những đứa trẻ “ô sin”.
Mặc dù tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về trẻ em giúp việc gia đình, nhưng số liệu năm 2013 cho thấy 7,1% lao động làm thuê giúp việc gia đình ở Việt Nam dưới 18 tuổi. Một nghiên cứu về giúp việc gia đình do Bộ LĐ,TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tiến hành năm 2011 tại hai TP lớn Hà Nội và TP HCM cũng đã chỉ ra rằng 17,3% lao động làm thuê giúp việc gia đình được điều tra bắt đầu làm công việc này khi họ dưới 18 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng trẻ em làm thuê giúp việc gia đình có xu hướng gia tăng như: Nhận thức của gia đình và xã hội, tình trạng nghèo đói, sự không tiếp tục con đường học tập hoặc học nghề của trẻ em các gia đình nghèo dẫn đến có rất ít lựa chọn cho công việc của các em, nhu cầu người giúp việc để chăm sóc người già và các công việc gia đình ở khu vực đô thị tăng...
Luật cần lường trước nguy cơ trẻ em bị bóc lột
Theo pháp luật về lao động hiện hành, trẻ em từ đủ 15 tuổi trở lên có thể làm thuê giúp việc gia đình nếu các công việc đó nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, thời gian làm việc không vượt quá quy định, không ảnh hưởng đến việc học tập; môi trường làm việc và điều kiện lao động không ảnh hưởng đến phát triển nhân cách và sức khỏe của các em.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012; có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi.
Đa số lao động trẻ em làm việc trong ngành nông nghiệp (chiếm 67%). Trong 18 công việc tập trung trên 80% lao động trẻ em tham gia làm việc, có 11 công việc thuộc khu vực nông nghiệp. Địa điểm làm việc phổ biến là cánh đồng, nông trại hoặc vườn cây.
Trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.
Hiện Bộ LĐ,TB&XH và ILO đang tiếp tục triển khai Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em lần 2 để có dữ liệu chính xác, đầy đủ về tình hình lao động trẻ em trong cả nước.
Mới đây, ngày 7/10/2019, tại hội thảo tham vấn những nội dung sửa đổi, bổ sung về lao động chưa thành niên trong dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi, trình bài về nội dung sửa đổi, ông Ngô Hoàng (Vụ Pháp chế, Bộ LĐ, TB&XH) cũng cho biết nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên (lao động chưa đủ 18 tuổi) chỉ được làm những công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển về thể lực, trí lực, nhân cách.
Với những lao động chưa đủ 15 tuổi, Bộ sẽ có danh mục quy định công việc được làm; thời giờ làm việc của lao động của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 4h/ngày, 20h/tuần, không được làm thêm giờ, không được làm đêm; thời giờ làm việc của lao động từ 15 đến dưới 18 tuổi không được quá 8h/ngày, 40h/tuần, chỉ có thể được làm thêm giờ, được làm đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ trưởng LĐ,TB&XH.
Trong dự thảo BLLĐ sửa đổi có một chương riêng về vấn đề lao động là người giúp việc gia đình, tuy nhiên không có nội dung đề cập đến trường hợp người giúp việc gia đình là lao động chưa thành niên.
Từ năm 2013, sau nghiên cứu về giúp việc gia đình do Bộ LĐ,TB&XH và ILO thực hiện tại Hà Nội và TP HCM, ông Gyorgy Sziraczki là Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam thời điểm đó đã cảnh báo: “Bản chất công việc này thường diễn ra trong một không gian khép kín, người ngoài không nhìn được, nên trẻ em làm thuê giúp việc gia đình có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng”.
Ông Sziraczki cũng nhấn mạnh việc đã đến lúc cần xác định những yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong công việc làm thuê giúp việc gia đình và cấm trẻ em dưới 18 tuổi làm những công việc đó.
Bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:
Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, như các quy định trong BLLĐ 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em năm 2016 có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng, của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Năm 2016, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chính phủ Việt Nam cũng có kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với 17 mục tiêu, trong đó có mục tiêu xóa bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ và đến năm 2025 chấm dứt toàn bộ các hình thức lao động trẻ em.
Bà Shelley Casay, chuyên gia pháp lý của UNICEF:
Cần có chế tài yêu cầu người sử dụng lao động đăng ký sử dụng lao động chưa thành niên làm giúp việc gia đình với cơ quan có thẩm quyền, giúp giám sát điều kiện sống, điều kiện làm việc, cũng như bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng, bóc lột.
Bên cạnh đó, luật cũng cần quy định rõ hạn chế công việc nặng nhọc trong giúp việc gia đình như công việc nặng nhọc về thể chất, tinh thần hoặc có khả năng đe dọa sức khỏe, an toàn, đạo đức…
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động:
Tôi đồng tình với nội dung cấm lao động chưa thành niên giúp việc gia đình vì môi trường làm việc trong các gia đình tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều vụ việc bạo hành trẻ em làm giúp việc. Lao động chưa thành niên cần được bảo vệ tốt hơn nên giúp việc gia đình cần đưa vào danh mục quản lý chặt chẽ.
Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp:
Trong Điều 144 về nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên của dự thảo BLLĐ sửa đổi mới chỉ dừng lại ở quy định người sử dụng lao động phải đảm bảo quan tâm đến lao động chưa thành niên ở các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập, học văn hóa, học nghề… mà thiếu quy định về việc người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền vui chơi, giải trí của trẻ em, dù quyền đó đã được đề cập trong Công ước về quyền trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016.