Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cần có mục tiêu cụ thể về logistics xanh
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cần có những mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường và phát triển logistics xanh.
Đây là một trong số những ý kiến đóng góp được đưa ra tại Hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/1, tại TP. Hồ Chí Minh.
Cần có mục tiêu cụ thể và logistics xanh
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý, đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu đến năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.
Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70 - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10 - 12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về chủ trương, quan điểm, định hướng, đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị cùng với những nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai tương ứng liên quan.
Đóng góp ý kiến về Dự thảo, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, Dự thảo cần có những mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường và logistics xanh. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu khá khắt khe về các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong đó dịch vụ logistics cũng phải đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững.
Bên cạnh đó là các mục tiêu về chuyển đổi số, cần đặt mục tiêu phối hợp cụ thể với các cơ quan như thuế, hải quan. Điển hình như đến năm 2030 đặt mục tiêu số hóa 100% vận tải, hay như epost, thanh toán không nhận tiền mặt…
Ngoài ra, ngành cần có mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực. Hiện có nhiều cơ quan, đơn vị đào tạo đến 2030 có thể cung cấp cho thị trường lượng nhân lực có trình độ cao. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành rất khó trong việc tuyển dụng cán bộ từ cấp trung trở lên. Đào tạo nguồn nhân lực cũng cần cải tiến chương trình đào tạo sát với thực tiễn.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Đại diện Hiệp hội chủ tàu Việt Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept- Phạm Quốc Long cho biết, Dự thảo đặt mục tiêu phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành logistics vào GDP đạt 12 – 15%. Đây là mục tiêu khá tham vọng, 12% là con số rất lớn, do đó cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng.
Theo ông Long, chiến lược phát triển logistics cần đẩy mạnh quy hoạch liên kết vùng một cách đồng bộ. Hiện đã có quy hoạch cảng biển, nhưng chỗ thiếu chỗ thừa. Điển hình như tại Hải Phòng, cảng Cái mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) chúng ta vẫn chưa khai thác hết năng lực.
“Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, cảng biển, cảng nước sâu. Điều này là rất lãng phí. Nguồn lực rất hạn chế, nên cần liên kết vùng đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải”, ông Long nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét thành lập Ủy ban Logistics quốc gia. Ủy ban này sẽ làm nhạc trưởng để có sự phối hợp giữa các bộ, ngành như Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và cả các địa phương.
“Bộ Công Thương có những chiến lược tốt, nhưng nếu không có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương thì một mình Bộ Công Thương cũng không làm được”, ông Long cho hay.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển thủy nội địa. Việt Nam là nước đường bờ biển dài, hệ thống mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Chi phí vận tải thủy nội địa cũng thấp hơn so với các phương thức vận tải khác, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, hướng tới xanh hóa ngành logistics.
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Long cho biết phí vận chuyển 1 container hàng từ Đồng bằng sông Cửu Long đến TP. Hồ Chí Minh chỉ mất phí 2,5 triệu đồng nếu dùng vận tải thủy nội địa, trong khi vận chuyển bằng đường bộ mất tới 7 triệu đồng.
“Vận tải thủy nội địa có nhiều ưu thế, song hiện mới chỉ chiếm 20% vận tải cả nước. Cần có chiến lược cụ thể để đẩy mạnh”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, rau quả là ngành có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua. Định hướng thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 – 10 tỷ USD. Để đạt được điều này thì logistics giữ vai trò quan trọng.
Theo ông Nguyên, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh xây dựng đường bộ cao tốc hiện đại. “Các doanh nghiệp ngành rau quả mong việc phát triển đường bộ cao tốc sẽ được đầu tư bài bản, từ Lạng Sơn đến Cà Mau”, ông Nguyên bày tỏ.
Hiện thời gian vận chuyển hàng từ Đồng bằng sông Cửu Long ra Lạng Sơn hết 2 ngày, nhưng nếu có cao tốc, thời gian vận chuyển sẽ được rút ngắn xuống chỉ còn 1 ngày. Điều này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam vào thị trường này sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, hiện 60 – 70% sản lượng trái cây xuất khẩu nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, song khu vực này hệ thống hạ tầng đường bộ vẫn còn yếu. Do đó, cần đầu tư hạ tầng đường bộ nội vùng để giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt là đầu tư kho lạnh, bến bãi tại các cửa khẩu biên giới. Để tránh tình trạng vào mùa vụ, nguồn hàng nhiều có chỗ để bảo quản hàng hóa.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý dưới nhiều hình thức để Chiến lược thể hiện đúng tầm vóc của một ngành kinh tế quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quý II/2024 tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, khi được ban hành, chiến lược sẽ mang lại sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam.