Dự thảo chương trình đào tạo về vi mạch, bán dẫn trình độ đại học có gì đặc biệt?

Nhận nhiệm vụ của Thủ tướng chính phủ, ngành Giáo dục xây dựng chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn và sẽ ban hành trong quý I/2025. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến cho Dự thảo.

Chuẩn bị nguồn nhân lực bán dẫn đón đầu cơ hội

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký đồng thời 2 quyết định quan trọng là Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Cơ hội mở ra khi Việt Nam đứng trước thời khắc quan trọng đó là việc tham gia vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn trên toàn cầu vì thế nhiệm vụ đó là chuẩn bị nguồn nhân lực.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký đồng thời 2 quyết định quan trọng liên quan đến phát triển ngành bán dẫn

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký đồng thời 2 quyết định quan trọng liên quan đến phát triển ngành bán dẫn

“Để làm được việc đó, ngành giáo dục trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở hàng đầu đào tạo ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn”, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn và ban hành trong quý I năm 2025. Để thực hiện chỉ đạo này, Bộ GD&ĐT đã lập tức ban hành kế hoạch hành động, ra quyết định thành lập tổ công tác, Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn và đến nay đã có dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học.

Thuộc lĩnh vực mới, vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với Việt Nam. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nước ta có nhiều tiềm năng trong giáo dục bán dẫn.

Theo GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn cho biết nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn cũng như lãnh đạo các trường đại học lớn trên thế giới khi đến thăm, làm việc tại nước ta đều nhận định đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam bước chân vào sâu hơn trong công nghiệp bán dẫn, là cơ hội rất lớn để nước ta bức phá.

Ông nhấn mạnh, trên thế giới, vi mạch bán dẫn là nền tảng của cách mạng công nghiệp, đất nước nào tham gia sâu vào quy trình bán dẫn thì đất nước ấy phát triển. Trong thời gian vừa qua, chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có sự dịch chuyển rất mạnh do hai yếu tố: sự đứt gãy sau đại dịch Covid-19 và sự đấu tranh địa chính trị giữa các nước. Bên cạnh đó trên thế giới, xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đang nổi lên.

Dự thảo chương trình đào tạo bán dẫn trình độ đại học có gì đặc biệt?

Về dự thảo chương trình đào tạo bán dẫn trình độ đại học được xây dựng, cụ thể, đối tượng tuyển sinh là người đã được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương; người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa bậc THPT theo quy định của pháp luật.

Đối với đối tượng đầu vào sinh viên năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) từ các ngành học khác phải có học lực từ “Khá” trở lên.

Về kiến thức cơ bản, đối tượng tuyển sinh cần có khối kiến thức về Toán, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học) và Tin học/Công nghệ (Điện - Điện tử) đạt điểm trung bình từ 65% trở lên của thang đánh giá. Ngoại ngữ đối với đối tượng đầu vào chuyển tiếp từ năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) hoặc người đã có bằng tốt nghiệp đại học phải đạt trình độ từ bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Trong năm học 2024 2025, một số trường đại học đã tuyển sinh ngành bán dẫn nhưng chưa có chương trình đào tạo bán dẫn chuẩn của Bộ GD&ĐT ban hành

Trong năm học 2024 2025, một số trường đại học đã tuyển sinh ngành bán dẫn nhưng chưa có chương trình đào tạo bán dẫn chuẩn của Bộ GD&ĐT ban hành

Chương trình đào tạo phải xây dựng và thực hiện các chính sách tiếp nhận sinh viên chuyển tiếp từ các chương trình đào tạo khác như: công nhận tín chỉ tương đương, quy định chuyển tiếp sang học các hướng chuyên ngành chủ đạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Chương trình bao gồm 4 khối kiến thức chính: Giáo dục đại cương, Kiến thức bổ trợ, Giáo dục chuyên nghiệp và Khối học phần tốt nghiệp, bảo đảm đáp ứng chuẩn đầu ra và mục tiêu đào tạo.

Về khối lượng học tập, dự thảo xác định rõ khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Cụ thể, với chương trình đào tạo cử nhân hệ “chuẩn”: tối thiểu 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành. Tối thiểu 30 tín chỉ khối kiến thức Toán và Khoa học cơ bản, tối thiểu 60 tín chỉ khối Giáo dục chuyên nghiệp, trong đó có khối kiến thức kỹ thuật phù hợp với chương trình đào tạo, đồng thời sử dụng các công cụ, kỹ thuật hiện đại. Thời lượng thực hành thí nghiệm, trải nghiệm thực tế tối thiểu bằng 25% tổng số tín chỉ khối Giáo dục chuyên nghiệp.

Với chương trình đào tạo kỹ sư hệ “chuẩn”: tối thiểu 150 tín chỉ và đáp ứng tối thiểu các yêu cầu của chương trình đào tạo cử nhân hệ chuẩn, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ cử nhân thuộc cùng nhóm ngành.

Với chương trình đào tạo hệ “tài năng”, khối lượng các học phần tăng cường, nâng cao về kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong chương trình đào tạo hệ tài năng nhiều hơn tối thiểu 20% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo hệ “chuẩn”. Người học thuộc hệ “tài năng” cần phải thực hiện khóa luận/đồ án tốt nghiệp với yêu cầu đầu ra cao hơn chương trình chuẩn theo định hướng chuyên sâu hoặc nghiên cứu. Ngoài ra, người học phải tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập thực tế tại doanh nghiệp.

Ngành bán dẫn trở thành chủ đề "hot" thu hút lượng lớn học sinh, sinh viên quan tâm, đặc biệt gần đây thông tin sinh viên học ngành này đang được đề nghị miễn, giảm học phí.

Hưng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-thao-chuong-trinh-dao-tao-ve-vi-mach-ban-dan-trinh-do-dai-hoc-co-gi-dac-biet-d241369.html