Dự thảo hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến vũ khí quân dụng
Tòa án nhân dân Tối cao đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều 304, 305, 306, 307, 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về các tội liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Dự thảo hướng dẫn cụ thể về một số tình tiết là dấu hiệu định tội. Cụ thể, “chế tạo vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại Khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận của vũ khí, phương tiện và có giá trị sử dụng theo tính năng tác dụng của chúng.
Cũng được coi là chế tạo trái phép phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp cơ sở sản xuất vũ khí của lực lượng vũ trang và những cơ sở khác có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp mới được sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng (theo danh mục) nhưng lại sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng loại khác (ngoài danh mục).
Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là các hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đòi hỏi phải có đầy đủ cả hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304.
Theo dự thảo, trường hợp người phạm tội có hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự... gây hậu quả làm chết người, gây tổn hại sức khỏe cho người khác... thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội phạm quy định tại Điều 128, Điều 138, Điều 180 của Bộ luật Hình sự.