Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Không cấp thẻ nhà báo cho người làm việc tại tạp chí khoa học
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đưa ra nhiều điểm mới, trong đó bổ sung khái niệm tạp chí để phân biệt rõ báo, tạp chí. Đặc biệt, những người làm việc tại tạp chí khoa học không được cấp thẻ nhà báo.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Dự thảo đang trong thời gian chờ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Tại dự thảo này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất hàng loạt điểm mới trong quy định về cơ quan báo chí và quản lý báo chí.
Theo đó, bổ sung “kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng”, “xuất bản báo chí trên không gian mạng” vào khái niệm báo chí và sản phẩm báo chí. Việc này nhằm sửa đổi để phù hợp việc bổ sung quy định hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Dự thảo cũng bổ sung khái niệm tạp chí để phân biệt rõ báo, tạp chí. Cụ thể, tạp chí là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tải tin, bài có tính chất chuyên biệt, chuyên ngành, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ theo tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép. Tạp chí chỉ cập nhật tin tức, sự kiện về hoạt động của cơ quan chủ quản (bao gồm tạp chí in và tạp chí điện tử). Cũng liên quan đến tạp chí, dự thảo bổ sung đề xuất “những người làm việc tại tạp chí khoa học không được cấp thẻ nhà báo”.
Về công tác quản lý báo chí, đáng chú ý, vai trò này sẽ được chuyển từ Bộ Thông tin và Truyền thông thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về báo chí đối với cơ quan báo chí của địa phương, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương và các hoạt động khác theo quy định của Chính phủ.
Cũng theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là cơ quan cấp, đổi thẻ nhà báo. Một điểm đổi mới, thay vì có thời hạn 05 năm như trước, thời hạn sử dụng thẻ nhà báo là 05 năm tính từ ngày cấp thẻ và được ghi trên thẻ. Hết thời hạn sử dụng thẻ nhà báo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành xét cấp đổi thẻ.
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cũng lược bỏ một số điểm trong nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam. Cụ thể, sẽ lược bỏ quyền hạn: Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí; Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ quan chủ quản báo chí, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cũng bổ sung một số quyền hạn, nhiệm vụ đối với cơ quan báo chí. Theo đó, cơ quan chủ quản có quyền bổ nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời có quyền miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí theo quy định.
Về nhiệm vụ, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đảm bảo điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính để cơ quan báo chí hoạt động đúng quy định trong giấy phép hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tài chính, tài sản, lao động, bảo hiểm, nghĩa vụ thuế và các vấn đề khác để chấm dứt hoạt động cơ quan báo chí khi cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép.