Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đáp ứng các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra một cách toàn diện
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 và 6 năm 2023.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét và cho ý kiến với 148 lượt Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Quá trình xây dựng và lấy ý kiến đóng góp
Ngày 15/2/2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật này. Tiếp đó, dự thảo đã tiếp tục được cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 05 tháng 4 năm 2023, gửi xin ý kiến của Chính phủ, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tòa án nhân dân tối cao, ….
Tính đến ngày 17/5/2023 đã nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Luật của 51/63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến nhất trí của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến góp ý của Tòa án nhân dân tối cao.
Có thể nói, hoạt động xin ý kiến đối với với Dự thảo Luật đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng cả về chủ thể và cách thức thực hiện. Tất cả các ý kiến đóng góp đều đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và sự đồng thuận giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Dự thảo đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi các Đại biểu Quốc hội (tài liệu chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV) vào ngày 26/5/2023, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, cơ quan liên quan đã đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, cụ thể:
Thứ nhất, đây là đạo luật điều chỉnh chung trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là tiêu chuẩn, cơ sở để tham chiếu trong quá trình xây dựng hay thực thi các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;
Thứ hai, khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và bảo vệ người tiêu dùng chính là góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân;
Thứ ba, khắc phục những bất cập do vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi tiến hành giao dịch;
Thứ tư, từng bước trang bị các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng để hình thành sự chủ động của người tiêu dùng;
Thứ năm, bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính;
Thứ sáu, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng và các giao dịch xuyên biên giới;
Thứ bảy, kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), của Kỳ họp thứ 5, ngày 26/5/2023, Quốc hội đã nhận được tổng thể 22 ý kiến phát biểu của đại biểu tại Hội trường.
Các ý kiến cơ bản thống nhất với bố cục Dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra; đồng tình với việc ban hành Dự án Luật này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành; dự thảo lần này đã tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh khá đầy đủ các nội dung có liên quan.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến, góp ý cụ thể đã được Đại biểu Quốc hội đưa ra và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra Dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo.
Đánh giá về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đạt được một số kết quả chính như sau:
Thứ nhất, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ mới: Dự thảo Luật đã được rà soát kỹ lưỡng, liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng trong phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Thứ hai, tiếp tục khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân: Dự thảo đã quy định “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được chủ động thực hiện từ sớm, kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.” (Điều 6). Đồng thời, dự thảo đã hoàn thiện quy định, bổ sung thêm các quyền của người tiêu dùng (Điều 4) phù hợp với các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và 08 quyền cơ bản được Liên hợp quốc ghi nhận trong “Bản hướng dẫn bảo vệ Người tiêu dùng” theo Nghị quyết số 39/248 ngày 09/4/1985 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (Bản hướng dẫn này được sửa đổi gần nhất là năm 2015).
Thứ ba, bảo đảm cân bằng giữa quyền lợi, nghĩa vụ của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh: Bên cạnh việc hoàn thiện các quyền của người tiêu dùng như đã nói ở trên thì dự thảo cũng đã phân tách, bố cục rõ ràng hơn các nghĩa vụ của người tiêu dùng, bổ sung thêm một số nghĩa vụ cần thiết cho người tiêu dùng để cân xứng với các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Cụ thể, một số nghĩa vụ đã được bổ sung tại Điều 5 của dự thảo, người tiêu dùng có nghĩa vụ: “Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật”; và “Tuân thủ các điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng của người cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật.”
Dự thảo cũng đã sửa đổi, hoàn thiện hơn quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là sửa đổi, sàng lọc các hành vi bị cấm để phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của nền kinh tế; hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, không làm phát sinh trách nhiệm, chi phí bất hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Để bảo đảm phù hợp với tình hình mới, dự thảo đã bổ sung, hoàn thiện một số quyền của người tiêu dùng, trong đó: bổ sung quyền của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ công; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn,… hoặc không phù hợp với nội dung thông tin đã cung cấp cho người tiêu dùng; quyền được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn lại tiền trong một số trường hợp của giao dịch đặc thù,…
Thứ tư, về tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Thực hiện các yêu cầu tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư và để phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật đã quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của Bộ Công Thương, của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước về ngành lĩnh vực; phân tách chi tiết trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân từng cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Dự thảo cũng quy định trách nhiệm xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và tại các cấp địa phương, nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ năm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội: Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật đã quy định rõ các hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, tạo căn cứ rõ ràng, cụ thể để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp được cơ quan nhà nước giao thực hiện các hoạt động theo quy định của luật này thì tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các điều kiện khác theo quy định.
Cùng với các quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo đã quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh: Nâng cao hiệu quả, bảo đảm tính khả thi và đảm bảo sự thống nhất với hệ thống pháp luật là chính sách quan trọng trong quá trình xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Để thực hiện yêu cầu này, dự thảo Luật đã rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp; hoàn thiện quyền yêu cầu hỗ trợ thương lượng của người tiêu dùng, xác định rõ trình tự và thủ tục để thực hiện quyền này; làm rõ các quy định về hòa giải, trọng tài, tòa án. Đối với quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và Tòa án Nhân dân tối cao, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về điều kiện áp dụng thông qua việc bổ sung thêm khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự để bảo đảm tính đặc thù, khả thi và thống nhất với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ bảy, đây là lần rà soát, sửa đổi toàn diện, kỹ lưỡng đối với các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới: Một phạm vi rộng các quy định đã được sửa đổi, bổ sung từ quy định chung đến quy định cụ thể trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo đáp ứng tối đa các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, quá trình hội nhập và sự phát triển của nền kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Khái niệm (người tiêu dùng; giao dịch đặc thù và các loại hình có liên quan; người có ảnh hưởng; sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; tiêu dùng bền vững, …); Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3; Trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh; Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số, bán hàng đa cấp; Thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; Hợp tác quốc tế; Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Các hành vi bị nghiêm cấm; Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội; Trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; …
Dự thảo đang được tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện sau phiên thảo luận của Quốc hội ngày 26/5/2023 tại Kỳ họp thứ 5, nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua tại phiên họp ngày 20/6/2023 (dự kiến). Để dự án Luật được nhanh chóng tổ chức thi hành khi được Quốc hội thông qua, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công Thương) cũng đang chuẩn bị kế hoạch triển khai thi hành Luật, xây dựng dự thảo Nghị định và các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết thực thi Luật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.