Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu về chính trị, pháp lý và thực tiễn

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (sau đây gọi tắt là dự thảo) đã trải qua nhiều lần tổ chức khảo sát, tọa đàm, hội thảo khoa học, lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực xây dựng và thực hiện pháp luật. Sau mỗi lần lấy ý kiến, Ban soạn thảo đã rà soát, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc, công phu, khoa học.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP phối hợp với các lực lượng Công an, dân quân địa phương tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP phối hợp với các lực lượng Công an, dân quân địa phương tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: CTV

Mặc dù còn có một số ý kiến khác nhau về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, song, có thể khẳng định dự thảo lần thứ 5.1 (ngày 17-8-2020) với 6 chương, 33 điều được xây dựng theo đúng nguyên tắc, hình thức, trình tự, thủ tục Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Về yêu cầu chính trị, xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là sự thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) và lực lượng BĐBP.

Từ khi thành lập Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) ngày 3-3-1959 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP, trong đó có Nghị quyết số 116-NQ/TW, Nghị quyết số 22-NQ/TW, Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Mặc dù về tổ chức, BĐBP có sự thay đổi về Bộ chủ quản, song, các nghị quyết quan trọng trên của Đảng đều nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ Biên phòng và khẳng định chức năng của BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu: “...tổ chức kiểm tra, thực hiện pháp luật về BGQG và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và xử lý vi phạm hành chính”, “Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và đường qua lại biên giới, ngăn chặn và xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới” (*).

Tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Bộ Chính trị đã ra Thông báo Kết luận số 165-TB/TW, ngày 22-12-2004, trong đó nhấn mạnh: “...Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ BĐBP như Nghị quyết 11-NQ/TW đã xác định; ... BĐBP thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới như hiện nay”.

Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG, đã xác định: “Xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ biên giới rộng khắp, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách”; “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện”.

Trên cơ sở tiếp tục kế thừa các quy định trong Pháp lệnh BĐBP đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn áp dụng, khẳng định là cần thiết và đúng đắn, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định mới theo hướng không chỉ luật hóa Pháp lệnh BĐBP mà còn thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng vào thực tiễn xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng BĐBP trong tình hình mới.

Về yêu cầu pháp lý, dự thảo đã đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất; tuân thủ hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Các quy định trong dự thảo không mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp với các quy định trong các văn bản luật, như Luật BGQG năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004 và Luật Quốc phòng năm 2018. Tất cả các luật này quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thực hiện quản lý Nhà nước về BGQG; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển. Do vậy, dự thảo quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, trong đó, BĐBP “... thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” (Điều 12); “... phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”; “Kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các lối mở, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý” (Điều 13) là hoàn toàn phù hợp và thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan.

Mặt khác, nội dung của dự thảo cũng không trùng lặp với Luật BGQG. Các quy định của Luật BGQG mang tính nguyên tắc (luật khung), để thực hiện Luật BGQG, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BGQG; tuy nhiên, Nghị định số 140/2004/NĐ-CP chưa phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các chủ thể thực thi nhiệm vụ Biên phòng ở KVBG và cửa khẩu nên phần nào ảnh hưởng và gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương có BGQG. Do vậy, dự thảo không chỉ luật hóa chức năng, nhiệm vụ của BĐBP (Chương 3), mà còn luật hóa chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể khác, cũng như phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng của các lực lượng này (Điều 6, Điều 9, Điều 10).

Dự thảo cũng không chồng chéo với Luật Hải quan năm 2014; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Tại Khoản 3, Điều 14 của dự thảo quy định BĐBP có quyền “... kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, việc kiểm tra hàng hóa vẫn do Hải quan chủ trì và BĐBP chỉ tiến hành kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu. Điều này cho thấy, dự thảo hoàn toàn phù hợp, BĐBP không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của Hải quan; đáp ứng nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Về yêu cầu thực tiễn, kể từ khi thành lập đến nay, trải qua hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, do tính chất đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn, BĐBP có 28 năm thuộc Bộ Công an, hơn 33 năm thuộc Bộ Quốc phòng. Dù ở Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu, vùng biển; là lực lượng chủ trì duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở KVBG, cửa khẩu; thường xuyên nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, phát hiện, triệt phá nhiều tổ chức gián điệp, biệt kích, phản động, dập tắt các vụ gây rối, gây bạo loạn trong vùng dân tộc, tôn giáo ở KVBG; tăng cường điều tra phát hiện, xác lập hàng trăm chuyên án, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về ma túy; các đường dây xuất, nhập cảnh trái phép, chuyển giao tài liệu mật ra nước ngoài, mua bán phụ nữ, trẻ em, vận chuyển, lưu hành tiền giả, chống buôn lậu, truyền đạo trái pháp luật trong vùng dân tộc, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BGQG...

Đối với công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu, BĐBP đang trực tiếp quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại 117 cửa khẩu biên giới đất liền (trong đó có 25 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 68 cửa khẩu phụ), ngoài ra, còn có 88 lối mở biên giới và 37 cửa khẩu cảng; BĐBP luôn chủ động nắm chắc tình hình, đề xuất các phương án xử lý giải quyết tốt các tình hình liên quan đến công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh trên biên giới đất liền, cảng biển trong mọi tình huống, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại cửa khẩu vừa tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, thông thoáng nhất trong xuất, nhập cảnh, tạo hình ảnh đẹp trong bạn bè quốc tế; vừa đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các cửa khẩu do BĐBP quản lý.

Như bà Vương Ngọc Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang phát biểu: “Từ thực tiễn tôi thấy rằng, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ở KVBG, cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng Biên phòng. Trong quá trình chúng ta thực hiện Pháp lệnh BĐBP cũng như thực tiễn hiện nay thì không có vấn đề gì vướng mắc. Với đặc thù KVBG, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP là những người rất hiểu nhân dân, về cơ sở lý luận và thực tiễn đều hoàn toàn hợp lý khi giao cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ này”.

(*) Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 8-8-1995 về xây dựng BĐBP trong thời kỳ mới.

Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Quân, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/du-thao-luat-bien-phong-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-ve-chinh-tri-phap-ly-va-thuc-tien-post432804.html