Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp: Bảo đảm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, lưỡng dụng
Mới đây Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 81 điều (đã bổ sung mới 20 điều, bỏ 12 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Dự thảo Luật CNQPAN&ĐVCN sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng cục CNQP (cơ quan Thường trực soạn thảo dự án luật), đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức gần 40 buổi họp để nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Nguyễn Hải Hưng, hiện dự thảo Luật còn 8 nội dung lớn cần tiếp thu, chỉnh lý. Cụ thể:
Một là, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển CNQPAN&ĐVCN, có những nội dung khác quy định của pháp luật liên quan. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung 1 điều quy định về áp dụng pháp luật.
Hai là, về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu với cơ sở CNQP nòng cốt và giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu với cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt. Có ý kiến đề nghị làm rõ và quy định cụ thể, thống nhất hơn về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ và đặt hàng sản xuất QPAN; quy định tách bạch việc đặt hàng sản xuất quốc phòng và đặt hàng sản xuất an ninh để có cơ chế đặc thù cho phù hợp.
Ba là, về nguồn vốn cho phát triển CNQPAN: việc rà soát các quy định về nguồn vốn cho CNQPAN để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; đề nghị hình thành một Quỹ riêng biệt để tập trung huy động nguồn lực cho xây dựng, phát triển CNQPAN.
Bốn là, về phát triển CNQPAN lưỡng dụng: Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hơn chính sách về phát triển CNQPAN lưỡng dụng; vấn đề quy định các chính sách theo hướng tăng cường thu hút DN, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CNQPAN; về quyền và nghĩa vụ của cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thực hiện sản xuất sản phẩm lưỡng dụng.
Năm là, việc bổ sung quy định về “tổ hợp CNQP” để thể chế đầy đủ Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Sáu là, về chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp: việc bảo đảm mở rộng đối tượng tham gia, nhất là với các DN lớn, DN có nền tảng khoa học, kỹ thuật; đề nghị làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ với CNQP nòng cốt; chuẩn bị ĐVQN cơ bản phải được tiến hành trong thời bình và trong suốt quá trình động viên…
Bảy là, về chế độ, chính sách trong CNQPAN: Việc quy định cụ thể hơn các chính sách đặc thù với cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh trong đầu tư, trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QPAN.
Tám là, về hệ thống tổ chức CNQP, công nghiệp an ninh và trách nhiệm quản lý nhà nước.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, các cử tri nhất trí cao về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng Luật CNQPAN&ĐVCN; đồng thời làm rõ một số vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù với lĩnh vực đặc biệt của CNQPAN làm cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo luật.
Ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các cử tri, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, CNQP là lĩnh vực đặc thù. Để xây dựng, phát triển CNQP góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về CNQP, ĐVCN, trong đó phải có những cơ chế, chính sách vượt trội nhằm tạo cú hích, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực đặc thù này.
Đại tướng Giang cho biết, trong dự thảo Luật đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của CNQPAN. Theo thống kê, dự thảo luật quy định 37 chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan; bảo đảm xây dựng được nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.