Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần cụ thể, rõ ràng để hạn chế tình trạng trục lợi chính sách
Luật Đất đai (sửa đổi) cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn để hạn chế tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi từ chính sách. Đó là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Tọa đàm góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Hội Cựu Chiến binh Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/3.
Đại tá Nguyễn Bá Nhịn, Ban Phong trào Hội Cựu chiến binh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất nhiều điều luật chưa thực sự rõ ràng về ngữ nghĩa, nhiều khái niệm chưa đủ nội hàm nên dễ dẫn đến sự tình trạng hiểu, diễn giải và áp dụng luật không thống nhất, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh và hiệu quả của luật trên thực tế.
Theo ông Nguyễn Bá Nhịn, tại Điều 78 quy định việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có quy định tại điểm a gồm: "dự án định cư, dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên; dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án xây dựng nhà ở công vụ, dự án xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp"; tại điểm d là dự án xây dựng cơ sở tôn giáo và khoản e gồm "dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sổ hỏa táng".
Trong khi trên thực tế, rất nhiều dự án quy định tại các diểm a, d, e như ký túc xá sinh viên, cơ sở tôn giáo, nghĩa trang… đang là những cơ sở kinh doanh có lợi nhuận, đi ngược lại với nội hàm nội dung "vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Bên cạnh đó, việc xác định giá đất, là một trong những nguyên do dẫn đến nhiều vấn đề xung đột, phức tạp về tranh chấp đất đai trong cuộc sống. Vì vậy, theo ông Nguyễn Bá Nhịn, cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ thêm đảm bảo tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ trung thực, khách quan của cơ quan định giá đất và tính công khai, minh bạch của việc công bố kết quả định giá đất.
Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Huỳnh Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Khối dân chính Đảng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, theo dự thảo Luật, việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc "phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường".
Trong khi toàn bộ dự thảo Luật không sử dụng cụm từ này vào bất cứ nội dung quy định nào. Vì vậy, cần làm rõ quy định của dự thảo về nội dung này. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất, về sử dụng tư vấn giá đất để xác định giá một cách cụ thể như quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thẩm định giá đất phù hợp với giá đất trên thị trường.
Đại tá Nguyễn Hiền Thảo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 11 bổ sung, cần thêm "người đại diện dân cư nơi có đất bị giải tỏa đất’ tham gia vào Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo tính khách quan, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân có đất bị thu hồi, giải tỏa.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Lợi, Hội Cựu chiến binh Quận 1 bày tỏ, trên thực tế hiện nay, nhiều cơ sở tôn giáo tại địa phương đang sử dụng diện tích đất lớn; trong đó, nhiều diện tích không sử dụng cho sinh hoạt tôn giáo, thậm chí là kinh doanh dịch vụ có lợi nhuận. Vì vậy, điều khoản này cùng với quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo cần được nghiên cứu lại cho phù hợp với thực tế sử dụng và phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương để vừa đảm bảo lợi ích của nhà nước vừa đảm bảo ý nghĩa nhân văn của tôn giáo trong cuộc sống.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động hòa giải, tư vấn pháp lý tại cơ sở, bà Hoàng Thị Lợi cho rằng, phần lớn khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai cho thấy, nếu xã hòa giải không nhận được đồng thuận, có thể khiếu nại lên cấp trên. Nhưng thực tế, các quyết định cơ quan hành chính thường không nhận được sự đồng thuận của người dân, dẫn đến khiếu nại kéo dài, phức tạp.
Vì thế, để đảm bảo tính tập trung, thống nhất thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai nên giao cho tòa án. Khi tòa án có quyết định sẽ mang tính pháp lý cao hơn, tiến trình giải quyết cũng sẽ nhanh hơn, tạo điều kiện cho người dân ổn định đời sống và sản xuất.