Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cho phép người địa phương khác mua bán đất nông nghiệp
Bộ NN&PTNT góp ý, đề nghị xem xét bổ sung đối tượng là tổ chức kinh tế, hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không cùng xã phường, thị trấn được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng đất lúa ở khu vực quy hoạch
Tại văn bản góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ NN&PTNT cho hay, liên quan đến việc chuyển nhượng, mua bán đất nông nghiệp, dự thảo Luật đã thể chế nội dung này khi sửa đổi các quy định về hạn mức chuyển nhượng, mở rộng đối tượng tiếp cận đất nông nghiệp, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, đề nghị xem xét bổ sung đối tượng là tổ chức kinh tế, hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không cùng xã phường, thị trấn được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để đảm bảo thống nhất giữa các quy định tại các 49, 185, 186 dự thảo Luật.
Đồng thời, xem xét quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của tổ chức để đảm bảo thực hiện quy định quy mô tích tụ đất nông nghiệp phù hợp tại Điều 186.
Theo Bộ NN&PTNT, nên căn cứ quy mô để quy định thẩm quyền cho phép tập trung đất nông nghiệp; quy mô nhỏ trong phạm vi xã, phường có thể giao cho chính quyền cấp xã quyết định (thủ tục đơn giản, tạo điều kiện cho người dân dồn điền đổi thửa). Điều này cũng phù hợp với Điều 51 dự thảo Luật.
Điều 171 dự thảo Luật đã quy định tăng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân từ 10 lần lên không quá 15 lần. Theo đó, đề nghị chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 92 để đảm bảo hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất cho cả phần hạn mức nhận chuyển nhượng hợp pháp.
Về việc bảo vệ đất trồng lúa (2 vụ), Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị bổ sung vào dự thảo Luật việc xác định chỉ tiêu các loại đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất,... đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh;
Bổ sung quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ đất chuyên trồng lúa nước (đất trồng lúa 2 vụ trở lên), không được chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước tại khu vực quản lý nghiêm ngặt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trừ những trường hợp đặc biệt quan trọng cần thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và các công trình hạ tầng phục vụ quản lý chặt chẽ các khu vực này; hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp”.
Chuyển đất lúa diện tích lớn cần báo cáo Thủ tướng
Khoản 3 Điều 172 dự thảo Luật quy định: “Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan, được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch…".
Bộ NN&PTNT cho rằng, cần làm rõ hơn quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp bao nhiêu ha thì cần thiết được xây dựng công trình? Tỷ lệ xây dựng bao nhiêu? Đặc biệt, đối với đất trồng lúa, việc quy định quy mô, tỷ lệ được xây dựng công trình cần có tính toán phù hợp, đảm bảo tiêu chí tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW.
Ngoài ra, cần có quy định cơ quan chuyên môn nào cho phép, chịu trách nhiệm việc xây dựng công trình này để không ảnh hưởng đến chất lượng đất, khu vực đất đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp…
Bộ NN&PTNT cũng nhất trí với chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, theo đó phân cấp cho HĐND cấp tỉnh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng trước khi UBND có thẩm quyền quyết định bằng văn bản để thực hiện.
Tuy nhiên, quy định quản lý chuyển mục đích các loại đất này trong thời gian qua cũng xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn quản lý, giảm thiểu tác động có tính cục bộ, lợi ích của địa phương mà thiếu cân nhắc đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, khu vực và phát triển bền vững quốc gia nhất là đảm bảo về chiến lược an ninh lương thực (giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa), thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nhằm hạn chế, phòng ngừa những hành vi tiêu cực ngay từ sớm.
Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị cần phải có các lộ trình tăng cường thể chế pháp lý, đồng thời đối với các dự án lớn yêu cầu sử dụng nhiều diện tích đất vẫn cần phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy mô phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp.
Đối với các dự án có quy mô chuyển mục đích sử dụng đất nhỏ hơn, phân cấp cho địa phương như quy định tại Điều 122 của dự thảo Luật, đồng thời cần bổ sung quy định nghiêm cấm việc chia nhỏ các dự án.